Sáng 29-8, tại Phú Yên, báo Pháp Luật TP.HCM đã tổ chức diễn đàn “Đáp lời ngư dân”. Đây là diễn đàn nằm trong khuôn khổ chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” do báo tổ chức tại tỉnh Phú Yên.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng; Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình; Phó Tổng biên tập Thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển… cùng tham dự.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Chủ tịch danh dự của chương trình; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng; Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình; Phó Tổng biên tập Thường trực báo Pháp Luật TP.HCM Nguyễn Đức Hiển… cùng tham dự. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Về phía lãnh đạo tỉnh, có sự tham gia của ông Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên; Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ; ông Bùi Thanh Toàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy… Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng…
Ngoài ra còn sự có mặt của 50 ngư dân đại diện hàng ngàn bà con ngư dân, cùng 25 em học sinh là con em của các hộ gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn…
Mở đầu chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ chia sẻ lợi ích mang lại từ khai thác thuỷ sản đối với nền kinh tế, cũng như đối với mỗi người dân là rất lớn. Tuy nhiên, hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với ngư dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Tấn Hổ phát biểu mở đầu chương trình. Ảnh: HOÀNG GIANG |
"Trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền là phải tìm giải pháp, triển khai các hoạt động để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân phát triển sản xuất, giảm thiểu tối đa các rủi ro trên biển" - ông Lê Tấn Hổ cho biết.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên mong rằng qua diễn đàn, người dân sẽ nêu ý kiến để tỉnh có những nắm bắt, thấu hiểu những mong muốn của bà con. Từ đó có những chính sách đúng đắn, từng bước khắc phục hạn chế, vướng mắc và triển khai các chương trình đồng hành cùng ngư dân hiệu quả hơn.
Ngư dân cần bình tĩnh khi bị tàu lạ quấy rối
Bước vào phần chính của chương trình "Đáp lời ngư dân", nhiều bà con đã có những câu hỏi thẳng thắn gửi đến lãnh đạo, cơ quan chức năng về nhiều vấn đề xoay quanh các hoạt động đánh bắt, các quy định về luật, chính sách hỗ trợ cho ngư dân.
Ngư dân Nguyễn Văn Lễ đặt câu hỏi cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ngư dân Nguyễn Văn Lễ đặt vấn đề, ngư dân phải ứng xử như thế nào khi gặp phải tàu nước khác, thậm chí bị cơ quan chức năng của nước khác làm khó. "Làm sao để chúng tôi bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình?"- ông Lễ hỏi.
Trả lời câu hỏi của ngư dân, ông Trương Thiên An, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết trong trường hợp này, phải xác định hiện nay các phương tiện được phép khai thác đánh bắt xa bờ có tổng chiều dài từ 15 m trở lên theo quy định Luật Thuỷ sản Việt Nam năm 2017 và Nghị định 26/2019.
Như vậy, tất cả các phương tiện đều phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; trong đó có chức năng cảnh báo khi vượt ra khỏi giới hạn cho phép, tức là tàu cá khi đánh bắt xa bờ thì phải tuân thủ quy định của luật pháp Việt Nam và quốc tế.
Ông Trương Thiên An, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên trả lời câu hỏi của ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Ông Trương Thiên An lưu ý khi đánh bắt trên biển, các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán Việt Nam thì bà con ngư dân cần khẳng định là đánh bắt hợp pháp.
Khi bị tàu lạ, tàu nước ngoài uy hiếp, quấy nhiễu thì bà con ngư dân cần hết sức bình tĩnh để nắm tình hình; ghi lại số hiệu, kí hiệu của tàu, đặc điểm nhận dạng và xác định rõ xem đây là tàu dân sự hay quân sự.
Sau đó, dùng phương tiện mang theo để quay phim, chụp ảnh để xác định là ngư dân đánh bắt trên vùng biển của nước mình. Đồng thời, ngư dân phải truy cập ngay vị trí mà tàu cá đang hoạt động trên các thiết bị giám sát, sau đó gửi về cho lực lượng chức năng để họ biết tàu ngư dân đang bị quấy nhiễu.
“Đây là những chứng cứ để đấu tranh, giải quyết, bảo vệ quyền lợi của ngư dân trên con đường ngoại giao cũng như công tác bảo hộ ngư dân” - ông Trương Thiên An cho biết.
Ngoài việc nắm thông tin tàu cá, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên còn hướng dẫn bà con cần nhanh chóng phát tín hiệu cho các tàu cá đi trong tổ, đội, cùng đánh bắt trên vùng biển để các tàu cá tập trung lại hỗ trợ.
“Bà con ngư dân cần khẳng định là mình đánh bắt trên vùng biển của mình; tuyệt đối không kí bất cứ một văn bản nào hay phát ngôn nào thừa nhận chúng ta vi phạm sang vùng biển của nước khác. Còn việc đấu tranh để bảo vệ chức năng, quyền lợi thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc dựa trên chứng cứ mà bà con thu thập” - ông An cho hay.
Trường hợp ngư dân đang đánh bắt trên vùng chồng lấn mà bị quấy rối thì phải báo ngay cho lực lượng chức năng biết, không đi quá sâu vào bên trong vùng chồng lấn. Ông An cũng thông tin, hiện nay đang có các đàm phán để giải quyết các vùng chồng lấn giữa các nước trên biển Đông, vì vậy ngư dân không nên đi quá sâu vào phạm vi 3 hải lý đối với các đảo mà nước ngoài đang chiếm đóng trên khu vực quần đảo Trường Sa.
Khi phát hiện có tàu nước ngoài uy hiếp, truy đuổi thì nhanh chóng phát tín hiệu, thông báo cho cơ quan chức năng, lực lượng chức năng hỗ trợ, bảo vệ, các tàu cá cùng đánh bắt gần đó cùng đoàn kết lại để bảo vệ tàu cá…
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT và các ban ngành có tổ chức phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, đã thành lập các tổ, đội sản xuất an toàn trên biển. Ngư dân đánh bắt ngoài khơi xa nên tham gia vào các tổ, đội này để khi có tình huống xảy ra hỗ trợ nhau để bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con ngư dân.
Sẵn sàng cho đợt thanh tra, kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng
Ngư dân Phan Thuẩn, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá phường 6, TP Tuy Hòa nêu, vừa qua lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thực hiện chuyến tuần tra, kiểm soát tàu cá và ngư dân thực thi pháp luật về hải sản. Từ đó, ông muốn nghe lãnh đạo tỉnh chia sẻ tình hình về chống đánh bắt cá trái phép trong quá trình đi tuần tra.
“Liệu tình hình tới đây có khả thi hay không, liệu có đủ điều kiện tiến tới tháo gỡ thẻ vàng hay chưa?” - ông Phan Thuẩn hỏi.
Ngư dân đặt câu hỏi tại chương trình. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Trả lời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương thông tin, chuyến tuần tra vừa qua là để nắm bắt thực tế để tỉnh nhà khắc phục các điểm còn hạn chế, sẵn sàng đón đoàn thanh tra của EU sắp tới với quyết tâm gỡ thẻ vàng. Cùng đó là phổ biến, tuyên truyền cho ngư dân thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, gửi tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân.
"Qua chuyến đi cho thấy 15 tàu được kiểm tra thì có ba tàu vi phạm, còn lại cơ bản chấp hành tốt. Như vậy là nhận thức của ngư dân có chuyển biến. Đoàn cũng thấy được những khó khăn bất cập để tháo gỡ quyết liệt hơn, thay đổi chính sách, cơ chế cho phù hợp" - ông Phương nói.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương trả lời câu hỏi của ngư dân. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Về tình hình tháo gỡ thẻ vàng, ông Phương cho rằng cùng với 28 tỉnh, thành có biển trên cả nước, tỉnh Phú Yên luôn nỗ lực để tháo gỡ thẻ vàng.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên kỳ vọng đợt kiểm tra lần thứ 4 này thì Ủy ban châu Âu đánh giá tốt và sẽ tháo gỡ được thẻ vàng, gỡ được đầu ra cho ngư dân.