Chiều 27-6, TAND huyện Phù Cát (Bình Định) đã trực tiếp hướng dẫn hai ngư dân chủ tàu vỏ thép Mai Văn Chương, Trần Minh Vương (cùng ngụ huyện Phù Cát) làm đơn khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương ra Tòa Kinh tế TAND tỉnh Nam Định - nơi đóng trụ sở của công ty này. Đây là công ty đóng năm tàu vỏ thép cho ngư dân tỉnh Bình Định và tất cả đều bị hư hỏng nặng, không thể ra khơi nhiều tháng nay do bị rỉ sét nặng.
Kết quả thẩm định độc lập của UBND tỉnh Bình Định xác định công ty này đã đóng tàu bằng thép Trung Quốc trong khi biên bản xác nhận khối lượng thực hiện, chứng thư về giá, chứng từ thanh toán đều ghi là thép Hàn Quốc.
Hỗ trợ tối đa cho ngư dân khởi kiện
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Quốc Bảo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho hay trong hợp đồng đóng tàu ký kết giữa ngư dân và Công ty Đại Nguyên Dương có nội dung “Mọi sự tranh chấp hợp đồng nếu có xảy ra sẽ được giải quyết tại Tòa Kinh tế TAND tỉnh Nam Định”.
“Sau khi nghiên cứu hợp đồng, chúng tôi thống nhất đưa bà con đến TAND huyện để tòa hướng dẫn viết vào mẫu đơn khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương ra Tòa Kinh tế TAND tỉnh Nam Định. Yêu cầu khởi kiện là buộc công ty này phải bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng, khiến tàu bị hư hỏng, không thể ra khơi mấy tháng nay, ngư dân không có thu nhập, bị tổn thất nặng nề.”
Ông Trần Minh Vương (ngụ xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) thông tin với PV: “Tòa có một số hướng dẫn chúng tôi làm đơn khởi kiện. Tuy nhiên, chúng tôi đang rất lo lắng về vấn đề án phí vì phải đóng tạm ứng án phí 5% của giá trị con tàu 15 tỉ đồng. Chúng tôi rất mong có sự giúp đỡ của các cơ quan nhà nước, sự trợ giúp của luật sư”.
Ông Nguyễn Văn Lý (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cho biết sẽ khởi kiện Công ty TNHH Đại Nguyên Dương do đóng thép không đúng chủng loại, làm tàu bị rỉ sét trầm trọng. Ảnh: TL
Theo ông Trần Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, khi làm việc với UBND huyện, hai chủ tàu trên thống nhất cao là khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương ra tòa để buộc bồi thường thiệt hại. “Dù từ Bình Định ra Nam Định đi lại vất vả, tốn kém nhưng huyện sẽ hỗ trợ hết sức cho bà con. UBND huyện đã giao các phòng NN&PTNT, Tư pháp, Hội Luật gia huyện hỗ trợ cho bà con trong quá trình khởi kiện dân sự” - ông Hương nói với PV.
Trong khi đó, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho biết sáng 28-6 UBND huyện sẽ hướng dẫn ba chủ tàu ở địa phương này khởi kiện Công ty Đại Nguyên Dương.
Công ty đóng tàu bất ngờ xin sửa chữa
Chiều 27-6, một số ngư dân cung cấp cho PV một văn bản ghi là của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương gửi UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định. Văn bản do ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương, ký ngày 27-6, thừa nhận có năm tàu vỏ thép do công ty này đóng cho ngư dân Bình Định “gặp sự cố, hỏng hóc”.
Văn bản nêu: Để đảm bảo quyền lợi cho các ngư dân và việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu được khách quan, Công ty Đại Nguyên Dương kính đề nghị các cấp cơ quan, lãnh đạo quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các ngư dân sớm đưa tàu ra công ty tại tỉnh Nam Định để xác định các lỗi hỏng hóc, sự cố của tàu và khắc phục trong phạm vi bảo hành. Công ty sẽ thông báo trực tiếp cho các ngư dân để đưa tàu lên đà sửa chữa.
Giải thích sự vắng mặt tại cuộc họp công bố kết quả thẩm định do UBND tỉnh Bình Định tổ chức chiều 26-6, văn bản trên cho rằng do giám đốc Công ty Đại Nguyên Dương đang nằm bệnh viện điều trị nên không đến dự được.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, cho hay Sở chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Công ty Đại Nguyên Dương. “Thời gian qua, Công ty Đại Nguyên Dương không hợp tác với Sở NN&PTNT cũng như các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, thẩm định chất lượng các tàu vỏ thép do công ty này đóng. Chúng tôi đã hai lần mời dự công bố kết quả thẩm định, nghe kết luận của UBND tỉnh nhưng công ty này đều vắng không lý do. Họ có thái độ lẩn tránh trách nhiệm. Bây giờ UBND tỉnh đã kết luận các sai phạm, đâu phải cứ muốn sửa chữa là làm ngay được!” - ông Hổ nói.
Cũng theo ông Hổ, trong tuần này Sở sẽ mời hai cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an), Công ty Đại Nguyên Dương cùng ngư dân chủ tàu, đại diện chính quyền địa phương, ngân hàng đến thông báo chính thức kết luận của UBND tỉnh. Sau đó sẽ đưa ra phương án, nội dung, tiến độ khắc phục, sửa chữa cụ thể đối với từng con tàu. Sau khi các bên đều thống nhất mới cho sửa chữa.
“Mọi việc khắc phục, sửa chữa đều phải được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Chẳng hạn, Công ty Nam Triệu xin thay mới 10 máy tàu. Chúng tôi sẽ yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá của Tổng cục Thủy sản kiểm tra có đúng mới, xuất xứ, chủng loại không. Sau đó tổ giám sát do Sở NN&PTNT thành lập gồm UBND các huyện, đăng kiểm, ngân hàng, ngư dân sẽ giám sát việc lắp máy. Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phải kiểm tra lại trước khi vận hành. Nếu các công ty đóng tàu không đồng ý phương án này thì chúng tôi báo cáo UBND tỉnh, ngư dân sẽ khởi kiện” - ông Hổ cho biết.
Ngày 27-6, luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) liên lạc với báo Pháp Luật TP.HCM cho biết sẵn sàng hỗ trợ bà con ngư dân Bình Định khởi kiện các công ty đóng tàu. “Lâu nay tôi rất quan tâm, theo dõi kỹ vụ hàng loạt tàu vỏ thép của bà con ngư dân Bình Định vừa đóng mới đã bị hư hỏng nặng. Vi phạm về dân sự của các công ty này đã quá rõ ràng, không còn gì để bàn cãi nữa. Thiệt hại của bà con do các công ty đóng tàu gây ra quá lớn, quá rõ ràng. Tôi cùng một số luật sư sẵn sàng hỗ trợ về mặt pháp lý cho bà con khởi kiện hay đại diện cho bà con trong quá trình tham gia tố tụng” - luật sư Quân chia sẻ. |