Cuối tháng 11 vừa qua, Humai - một công ty công nghệ khởi nghiệp tại Mỹ - đang theo đuổi kế hoạch tái sinh người chết nhờ vào các bước đột phá trong công nghệ trí thông minh nhân tạo, công nghệ đóng băng “ngủ đông” và công nghệ nano.
Đóng băng bộ não, lưu trữ ký ức
Trả lời phỏng vấn trên tạp chí chuyên về công nghệ của tương lai - Serious Wonder, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty Humai - ông Josh Bocanegra khẳng định ông hoàn toàn nghiêm túc về kế hoạch hồi sinh người chết. Nhà khởi nghiệp người Mỹ đang xây dựng nhiều nhóm các nhà khoa học, chuyên gia và nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực để đạt được mục tiêu vào năm 2045.
Trang mạng chính thức của Humai cũng chỉ mới cho đăng tải thông tin về tầm nhìn của công ty và cho đăng ký thành viên. Trong nhiều bài phỏng vấn suốt từ đầu tháng 11-2015 đến nay, Humai cũng chưa cho tiết lộ nhiều thông tin về cách thức cụ thể mà họ muốn áp dụng để tái sinh người chết. Ông Josh Bocanegra cho biết Humai sẽ cho đóng băng não người sau khi chết, sử dụng công nghệ “ngủ đông” nổi tiếng hiện nay - Cryonics. Theo Daily Mail, những nghiên cứu mới đây về Cryonics đã cho thấy công nghệ này đủ khả năng lưu giữ lại được cả các ký ức và cảm xúc của bộ não. Hiện đang có khoảng 300 người trên toàn thế giới đang “ngủ đông”. Sau khi được bơm máu và tiêm thuốc chống đông để tế bào não tránh bị hư hại, nhiệt độ cơ thể của đối tượng được hạ dần xuống dưới âm 195 độ C trong thời gian hơn ba tuần sau đó rồi được mang đi lưu trữ.
Theo Josh Bocanegra, những nhà khoa học của Humai đang hỗ trợ phát triển các công nghệ đủ khả năng sửa chữa và thay thế những tế bào não đã bị phá hủy sau khi chết. Những bước tiến trong công nghệ nano cũng sẽ giúp các nhà khoa học của Humai chuyển các ký ức và cảm xúc, cách thức não vận hành toàn cơ thể thành các dữ liệu và lưu vào các bộ nhớ.
CEO của Humai, ông Josh Bocanegra, cam kết rằng trong vòng 30 năm nữa, công ty sẽ tái sinh được người chết. Ảnh: MEDIUM
Tái sinh trong một cơ thể máy
Trả lời tờ PopSci của Úc, ông Bocanegra cho biết: “Một khi các công nghệ đã phát triển đầy đủ, chúng tôi sẽ bắt đầu cấy ghép bộ não vào bên trong một cơ thể nhân tạo”. Hoạt động của cơ thể này sẽ được suy nghĩ của người dùng chỉ huy thông qua các sóng não, tương tự như cách thức mà các chi giả tiên tiến hiện nay đang ứng dụng. Theo TechInsider, Bocanegra nói rằng mục tiêu hàng đầu hiện nay của Humai là tạo ra một ứng dụng có thể “giao tiếp” như một con người thực thụ chứ không phải một ứng dụng thương mại dùng để tưởng nhớ những người đã khuất.
Trả lời phỏng vấn với trang tin IEET, Bocanegra cho rằng trong khi các hãng AI khác đang cố gắng dùng AI (trí thông minh nhân tạo) để tái hiện phiên bản ảo của người đã mất, công ty của ông sẽ thật sự hồi sinh một người đã chết ngoài đời thật. Ông tuyên bố: “Tôi không nghĩ rằng bia mộ, những bức ảnh, video hoặc thậm chí là ký ức của chúng ta là cách tốt nhất để tưởng nhớ về người đã khuất. Thay vào đó, phiên bản ảo của người đã mất được tái tạo thông qua trí thông minh nhân tạo mới là cái mà người ta mong muốn, họ có thể tương tác với phiên bản đó thông qua văn bản hoặc thậm chí là giọng nói”.
Để thực hiện được mục tiêu này, Humai cần có được các dữ liệu về nhân thân, tính cách của người đã khuất thông qua những điều mà họ “lưu dấu” trên Internet. Nhà sáng lập Humai hiện đang xây dựng một ứng dụng cho phép sưu tầm những bài viết trên phương tiện truyền thông xã hội, thư điện tử và những tin nhắn điện thoại để tạo ra một cơ sở dữ liệu cá nhân về phong cách trò chuyện, mô hình hành vi, quá trình tư duy và thông tin chỉ ra cách cơ thể vận hành từ trong ra ngoài của người đó. Bocanegra nói rằng ông chắc chắn 40% về phương pháp trên, 60% còn lại phải chờ nghiên cứu thêm nữa trước khi xây dựng một thuật toán có độ chính xác cao.
Công nghệ nano sẽ giúp lưu trữ những cảm xúc, trí nhớ và cách thức não vận hành cơ thể thành các dữ liệu số hóa. Ảnh: Inquisitr
Nếu xây dựng kho dữ liệu cá nhân trên thành công, Humai hy vọng nhờ vào đó có thể nhận ra cung cách nói chuyện cũng như cá tính của người đó. Bằng cách thu thập mọi thông tin về cách thức giao tiếp của một người nào đó, Humai có thể “nhại” lại các dạng ngôn ngữ văn bản. Bản thân ứng dụng này cũng sẽ làm cho những dữ liệu mà nó thu thập được có chiều sâu, một kiểu ứng dụng giống như Jawbone Up - một thiết bị thông minh có thiết kế như chiếc vòng đeo tay, có vai trò là một phụ tá “nhắc tuồng” giúp người sử dụng hướng đến những thói quen sinh hoạt lành mạnh, có kiểm soát, tránh những căn bệnh văn phòng, bệnh công sở, chỉ khác điều ứng dụng của Humai có tính chất hướng đến tính cách của con người.
Tuy nhiên, nhà sáng lập Humai cho rằng thách thức lớn nhất đối với dự án trên là độ chính xác. Theo dõi các dữ liệu là chuyện dễ dàng, còn chuyện thấu hiểu được sắc thái biểu cảm của con người mới là cái khó. Bocanegra nói rằng Humai sẽ phải tham vấn nhiều nhà thần kinh học và nhà tâm lý học mới mong có được tính chính xác trong dự án. Song ông vẫn tự tin rằng khó khăn đó sẽ được khắc phục trong thời gian không quá lâu. Ứng dụng thu thập dữ liệu trên có thể hoàn thành vào năm 2017 - Bocanegra khẳng định.
Liệu sẽ còn tồn tại “linh hồn”?
Trả lời tờ Daily Mail về lý do vì sao theo đuổi kế hoạch táo bạo này, ông Bocanegra bày tỏ hy vọng việc tái sinh trong một cơ thể nhân tạo có thể “đóng góp thêm cho những trải nghiệm của nhân loại”. Ông cũng cho rằng sự thành công của kế hoạch này trong tương lai sẽ giúp cho cái chết trở nên dễ dàng chấp nhận hơn.
Theo Inquisitr, sự bất tử là cứu cánh của khoa học và của lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, bởi nó không chỉ tạo ra một sinh mạng mới như những gì được phác họa trong các bộ phim Ex Machina (Người máy trỗi dậy) và Terminator (Kẻ hủy diệt), mà nó còn làm tái sinh chính bản thân người chết, mở ra một cuộc sống vĩnh hằng ở cõi dương gian.
Dù vậy, không phải ai cũng hoan nghênh ý tưởng về một người sống được tạo nên từ một bộ não đã chết. Và người ta cũng hoang mang không biết liệu rằng người đó có hoàn toàn “có ý thức” như một người bằng xương bằng thịt thực thụ hay không, hay chỉ đơn thuần là một cỗ máy tân thời có khả năng bắt chước vài đặc tính của người đã khuất không hơn không kém.
Những băn khoăn này tựu trung cũng đi đến câu hỏi cuối cùng rằng trí thông minh nhân tạo có thể tạo ra sinh mạng mới hay thậm chí có thể hoàn dương một người đã chết nhưng linh hồn có thực sự hiển hiện trong họ? Nếu dự án trên của Humai “đơm hoa kết trái”, cuộc sống của loài người sẽ đi đến đâu quả thực là điều không ai dám chắc.
Chỉ là một trò bịp? Trước thông tin về dự án được cho là mang đầy tính viễn tưởng, nhiều người còn có ý kiến ngờ vực, cho rằng đây chỉ là một chiến dịch quảng cáo cho dự án AI sắp tới của Humai. Theo Huffington Post, Michael Maven, một nhà tư vấn thương mại ở Anh cho rằng ý tưởng của ông Bocanegra là “gần như vô vọng”. Andrea Riposati, chuyên gia về trí thông minh nhân tạo ở Amazon, cũng cho rằng dự án này của Humai chỉ là một “trò bịp” để kiếm tiền mà thôi. Ông nói rằng “chẳng có lý do gì để tin rằng trong 30 năm nữa người chết sẽ được hoàn dương”. Song Riposati cho rằng đây là mô hình kinh doanh đầy lợi nhuận của Humai. Hằng tháng, họ có thể “bỏ túi” một số tiền khá lớn từ những khách hàng đặt niềm tin vào dự án này trong tương lai. Có thể nhân bản con người Đầu tháng này, Daily Mail dẫn lời ông Xu Xiaochun, Chủ tịch tập đoàn nhân bản lớn nhất thế giới tại Trung Quốc - Boyalife Group, cho biết họ đang nghiên cứu về việc nhân bản động vật linh trưởng và xem đó là “bước nhảy ngắn về sinh học” để phát triển sang công nghệ nhân bản con người. Ông Xu khẳng định rằng nếu được phép, Boyalife sẽ là công ty sở hữu công nghệ nhân bản con người tốt nhất. Hiện nay, Boyalife Group cùng đối tác đang xây dựng một nhà máy khổng lồ ở Thiên Tân, Trung Quốc. Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động trong vòng bảy tháng tới và đặt mục tiêu nhân bản ra 1 triệu con bò vào năm 2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trong tham vọng của ông Xu. Nhà máy này còn đang sản xuất ngựa đua thuần chủng, thú nuôi, chó cảnh sát và cả con người. Ông Xu cũng cho biết nhà máy tại Thiên Tân sẽ lưu trữ được tới 5 triệu mẫu tế bào đông lạnh trong nitơ lỏng, nhờ đó sẽ giúp nhân bản gen để bảo tồn đa dạng sinh học. |