Tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đây là dự án Luật hoàn toàn mới, dự kiến được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 5.
12 biện pháp xử lý chuyển hướng
Đáng chú ý, dự thảo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dành riêng một phần quy định chế định xử lý chuyển hướng thay thế cho hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; trong đó bổ sung, sửa đổi nhiều biện pháp xử lý chuyển hướng mới, phù hợp với người chưa thành niên.
Theo BLHS thì có 3 biện pháp, gồm: Khiển trách; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là các biện pháp giám sát, giáo dục trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự và được áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội.
Còn theo dự thảo luật, tại Điều 34 quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên. Cụ thể, dự thảo kế thừa 2 biện pháp đang quy định trong BLHS, gồm: Khiển trách và Giáo dục tại xã, phường, thị trấn. 2 biện pháp được tách ra từ biện pháp Hòa giải tại cộng đồng, gồm: Xin lỗi người bị hại và Bồi thường thiệt hại.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung 7 biện pháp mới, gồm: Tham gia chương trình học tập, dạy nghề; Tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; Lao động công ích; Cấm tiếp xúc; Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; Cấm đến một địa điểm nhất định; Quản thúc tại gia đình.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo đề xuất chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hưởng nghiêm khắc nhất.
Để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng, dự thảo Luật quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đó, dự thảo quy định chỉ được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên khi có đủ ba điều kiện: (1) Có chứng cứ đã thực hiện hành vi phạm tội; (2) Thừa nhận hành vi phạm tội; (3) Đồng ý áp dụng quy trình xử lý chuyển hướng.
Quy định khác Bộ luật Hình sự
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành dự thảo Luật về việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hưởng và quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo cơ quan thẩm tra, việc này tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng người chưa thành niên…
“Nhiều biện pháp mới được bổ sung, như: hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng, để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục người chưa thành niên” - theo Ủy ban Tư pháp.
Sáng nay 23-4, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.
Các đại biểu sẽ góp ý cho dự thảo 2.2 ngày 6-4. Bản dự thảo này là bản dự thảo mới nhất, sau rất nhiều lần dự thảo được sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra đề nghị quy định chặt chẽ hơn với biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, để tránh ảnh hưởng đến tâm lý của người chưa thành niên trong quá trình triển khai trên thực tế.
Với biện pháp Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại và biện pháp Quản thúc tại gia đình, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn để không làm ảnh hưởng đến quyền học tập của người chưa thành niên.
“Đa số các biện pháp (chuyển hướng) chưa có thực tiễn thi hành tại nước ta nên cần thiết phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, nhằm bảo đảm tính khả thi trong bối cảnh hiện nay” - Ủy ban Pháp luật nêu ý kiến khi tham gia thẩm tra.
Góp ý, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng việc dự thảo chuyển biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ biện pháp tư pháp giáo dục thành biện pháp xử lý chuyển hướng là khác với quy định của BLHS.
Theo ông Cường, biện pháp xử lý chuyển hướng cần tập trung vào việc phục hồi cho người chưa thành niên, khắc phục các thiệt hại và “không liên quan đến bất cứ hình thức tước quyền tự do nào”.
Nhấn mạnh đây là chuẩn mực quốc tế, ông Cường đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá, làm rõ việc này.
Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị “cân nhắc” quy định nói trên. Ngoài ra, ông Vinh cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về các loại công việc mà người chưa thành niên có hành vi phạm tội phải thực hiện khi được áp dụng biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết.
“Nếu quy định chung chung như trong dự thảo thì rất khó triển khai và áp dụng trên thực tế” - ông Nguyễn Đắc Vinh nói.
Mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng
Dự thảo Luật mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, theo đó,cho phép người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi được chuyển hướng thêm 9 tội danh. Cụ thể gổm các tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Mua bán người; Mua bán người dưới 16 tuổi; Cướp tài sản; Cướp giật tài sản; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Chiếm chất ma túy.
5 tội danh không được chuyển hướng, gồm: Giết người; Hiếp dâm; Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Sản xuất trái phép chất ma túy.
Trong khi đó, người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi được chuyển hướng thêm 2 tội danh (Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Cướp giật tài sản) và tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý;
6 tội danh không được chuyển hướng thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng (Hiếp dâm; Sản xuất trái phép chất ma túy; Tàng trữ trái phép chất ma túy; Mua bán trái phép chất ma túy; Vận chuyển trái phép chất ma túy; Chiếm đoạt chất ma túy).