Níu giữ các làng nghề truyền thống - Bài 2

Người cuối cùng giữ hồn nghề dệt nhuộm lãnh Mỹ A

(PLO)- Ông Nguyễn Hữu Trí (52 tuổi) được biết đến là người cuối cùng nhuộm lãnh Mỹ A danh tiếng của xứ lụa Tân Châu, tỉnh An Giang.

Lãnh Mỹ A, loại vải mà người ta đồn rằng “mùa hè mặc thì mát, mùa đông mặc thì ấm”, ngày xưa đã ít, nay lại càng hiếm hơn. Đó là vì chỉ còn duy nhất gia đình ông Nguyễn Hữu Trí níu giữ nghề dệt nhuộm lãnh Mỹ A.

Nguồn nguyên liệu cạn kiệt, lãnh Mỹ A điêu đứng

Chúng tôi ghé thăm cơ sở dệt nhuộm Tám Lăng (phường Long Châu, thị xã Tân Châu), nơi ông Nguyễn Hữu Trí đang làm việc. Ông Trí kể ngay từ nhỏ ông đã được cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Long (ông Tám Lăng) cho “nối dòng” nghề dệt lụa.

Mấy chục năm buồn vui trong nghề nhưng chưa khi nào ông Trí thôi tự hào về dòng lãnh Mỹ A của xứ dệt lụa Tân Châu. Đây là thứ lụa rất đặc biệt bởi lãnh Mỹ A được dệt từ tơ tằm, có màu đen bóng và hương thơm đặc trưng từ nhựa của trái mặc nưa.

“Lãnh Mỹ A được ưa chuộng từ xưa tới nay cũng có nguyên nhân của nó, do nhờ vào màu đen bóng đặc trưng được nhuộm từ trái mặc nưa, mỗi năm loại trái này có từ tháng 6 âm lịch đến tháng Chạp và cùng lúc đó những lò nhuộm lại bắt đầu nhộn nhịp tiếng máy xay để chiết xuất nhựa” - ông Trí nói.

w-p13-niu-giu-cac-lang-nghe-bai-2-3384-7956.jpg
Ông Nguyễn Hữu Trí giới thiệu lãnh Mỹ A với màu đen bóng đặc trưng. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Theo lời kể của cha ông Trí, trước năm 1975, mỗi ngày làng nhập khoảng 40 tấn mặc nưa để nhuộm, màu nhuộm đen cả cánh đồng, bước ra đường là gặp ngay người dân có bàn tay đen do phải nhúng tay vào thùng mặc nưa nhuộm vải. Khi đó, lãnh Mỹ A là niềm tự hào của người dân Tân Châu do đây là loại vải dành cho giới quý tộc, ngày xưa phải là ông bà hội đồng mới dám mặc. Ai giàu lắm mới có những bộ đồ bằng lãnh Mỹ A, người khá giả cũng cố gắng chen chân mua cho được tấm vải đen bóng.

Tuy nhiên, khoảng ba năm nay sản lượng trái mặc nưa ngày càng thấp kéo theo việc nhuộm vải bị trì trệ. Cuộc sống bắt đầu khó khăn hơn khi cái ăn bủa vây từng ngày, người dân dần đốn hạ các cây mặc nưa để lấy đất canh tác cây trồng khác. Do vậy, ông phải thu gom từ các nơi và mua trái mặc nưa từ Campuchia về với giá 20.000 đồng/kg.

Hiện nay chỉ còn lại duy nhất cơ sở dệt Tám Lăng (phường Long Châu, thị xã Tân Châu) còn giữ gìn và sản xuất lãnh Mỹ A.

Bên cạnh đó, những năm đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, vải nylon xuất hiện cạnh tranh trực tiếp với lãnh Mỹ A về mẫu mã, giá thành cực rẻ, nhiều cơ sở dần ngưng hoạt động vì ngại chi phí dệt nhuộm đắt đỏ và tốn thời gian gia công.

Cơ sở Tám Lăng cũng rơi vào tình cảnh éo le như thế vì không tìm đủ số lượng mặc nưa để nhuộm. Có lúc không cam lòng với tình trạng thiết hụt nguyên liệu, ông Trí nảy ra sáng kiến tự trồng mặc nưa. Nhưng vì đặc thù đây là loài cây mọc dại nên trồng trong vườn hơn sáu năm vẫn không cho trái có nhựa tốt.

Mong muốn giữ gìn loại lụa hiếm

Gắn bó với nghề hàng chục năm nhưng chưa bao giờ lãnh Mỹ A mang lại lợi tức kinh tế dồi dào cho ông Trí, mặc dù gia đình ông sở hữu 50-60 khung dệt. Để duy trì cuộc sống, ngoài những khung dệt lãnh Mỹ A, ông còn đầu tư thêm các khung dệt vải màu để mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ông vẫn chưa tìm được người kế thừa để gìn giữ, truyền nghề làm lãnh Mỹ A cho thế hệ sau.

Ông tâm sự những người cuối cùng nắm giữ cái hồn của nghề dệt nhuộm lãnh Mỹ A đã bắt đầu ít dần. Trong nhóm thợ tại xưởng của ông, hầu hết những người thợ dệt, thợ nhuộm đã bước qua tuổi trung niên, sức lực xuống dốc do lao động nặng nhọc cùng với đó là vấn đề lương bổng. Vì công việc này chỉ làm được chừng 3-4 tháng là hết việc nên không đảm bảo đời sống cho nhân công sau đó.

w-p13-niu-giu-cac-lang-nghe-bai-2-2-5175-1611.jpg
Công đoạn vắt và phơi lãnh Mỹ A sau khi nhuộm. Ảnh: TÁM LĂNG SILK

Còn những người trẻ thì không mặn mà với công việc này vì quá nặng nhọc. Theo ông Trí, nếu cải tiến máy móc để tối ưu hóa sức người, lao động trẻ sẽ có hứng thú làm việc, may ra nghề còn được duy trì. Tuy nhiên, cơ giới hóa máy móc cũng là cả vấn đề với ông.

Theo UBND phường Long Châu (thị xã Tân Châu), về máy móc, thiết bị, Sở Công Thương hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng, trong khi đó mua máy mới gần cả tỉ đồng nên không đáp ứng được nhu cầu của cơ sở, đó là rào cản khiến làng nghề khó phát triển dài lâu.

Thấy dệt nhuộm lãnh không có tương lai, ông Trí đã từng có ý định buông bỏ nghề. Nhưng ông nghĩ vẫn còn những phận người duy trì màu đen kiêu hãnh của tấm lãnh Mỹ A. Nếu ông dừng lại thì anh thợ dệt làm sao, người thợ suốt như thế nào, cô thợ đặt vải sống làm sao?

“Rồi cái quan trọng hơn là mình biết rằng mình đang sở hữu một loại vải hiếm. Nó mang tính văn hóa lẫn lịch sử đang rất cần được bảo vệ, có lẽ đó là lý do duy nhất để mình giữ gìn nghề truyền thống của ông cha” - ông Trí trầm tư nói.

Người ta đã dần bỏ nghề

Bây giờ ở vùng Tân Châu này không còn một cây mặc nưa nào cho trái đạt yêu cầu, tôi phải đặt lái gom từ khắp nơi, có lúc mua tận bên Campuchia về. Mà khi xay ra hòa vào nước xong xuôi, trời đổ mưa thì coi như đổ bỏ 1-2 triệu đồng. Ví dụ như làm mẻ mặc nưa thành công thì cũng phải nhuộm tấm vải hơn 100 lần. Thêm 10-20 lần giặt và đập cho nhựa nó ăn vô tấm vải nữa, thời gian kéo dài 3-4 tháng như vậy nên nó lâu lắc mà tiền bạc không bao nhiêu nên người ta cứ bỏ nghề từ từ.

Ông NGUYỄN HỮU TRÍ, chủ cơ sở dệt nhuộm Tám Lăng

Bài 3: Khăn rằn không chỉ để quàng cổ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm