Ngày 5-9, ghi nhận tại khu vực cánh đồng thuộc xã Vĩnh Trị (huyện Vĩnh Hưng, Long An), nước đã mấp mé tràn bờ đê, trên đồng nông dân sau vụ lúa lại tiếp tục làm ngư dân đặt dớn đánh bắt cá.
Tuy nhiên, mực nước trên đồng còn quá thấp, lượng cá chưa nhiều, chủ yếu có cá lòng tong, tép rong và cua đồng.
Người dân ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười tranh thủ mưu sinh mùa lũ. Ảnh: HUỲNH DU |
Ông Phạm Văn Chương (người dân xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) di chuyển hàng giờ trên cánh đồng để thăm các dớn đã đặt từ trước, nhưng thành quả nhận được thì chỉ vài con cá. Với số cá này, cũng không đủ để cho ông Chương bù cho tiền nhiên liệu của chiếc vỏ lãi.
Ông Chương chia sẻ: “So ra mọi năm thì nước nhỏ hơn nhiều, không có cá gì hết, chứ mọi năm nước lớn nhiều cá lắm. Mọi năm, tầm tháng 9 âm lịch , tháng 10 dương lịch, nhưng giờ tháng 9 mà chưa có nước nữa chắc nước rút sớm”.
Mực nước đầu nguồn tăng do lượng mưa tại chỗ nhưng chưa cao so với mọi năm. Ảnh: HUỲNH DU |
Còn với hộ gia đình bà Nguyễn Thị Sáu, với hơn 30 năm làm nghề kéo lưới, nhưng mãi đến hôm nay, chiếc lưới này mới được hoạt động, sau hàng tháng trời đợi con nước về.
Hơn một giờ đồng hồ ngâm mình dưới nước để kéo lưới gần 500 mét, nhưng thành quả gia đình bà thu về cũng chẳng đáng là bao. Số cá bán được cũng chỉ vài ký với giá vài chục ngàn đồng/kg. Nếu hôm hôm nào may mắn có cá linh thì sẽ bán được giá cao hơn chút đỉnh.
Người dân tranh thủ đánh bắt cá linh khi lũ bắt đầu đổ về . Ảnh: HUỲNH DU |
Bà Sáu cho biết: “Mọi năm thì mướn kéo, thấy năm nay không có cá thì kêu cháu ra kéo phụ, kiếm cá mồi cho cá ăn, còn cá chợ thì mình đỡ chút. Có cá linh thì bán được, cá làm rồi cá bự thì bán được 100 ngàn đồng/kg”.
Những năm trước, vào thời điểm này, nước lũ đã về phủ trắng các cánh đồng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm hiện tại, nước lũ vẫn chưa về nhiều, chỉ có ở những vùng trũng thấp, nước lũ mới vào đồng.
Ông Lê Quốc Bổn – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Về ảnh hưởng kế sinh nhai trong mùa lũ của bà con thì cũng có về thuỷ sản. Những năm trước người ta cũng có lờ, dớn để sẵn, năm nay nước ít, lên chậm, bà con thì cũng làm có nhưng không có nhiều bằng những năm trước”.
Rõ ràng, lũ thấp gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và sinh kế của người dân vùng Đồng Tháp Mười. Và câu chuyện này không dừng ở việc lũ cao hay thấp, mà ở đây chính là bài toán được đặt ra cho chính quyền địa phương và người dân vùng lũ, làm sao để có sinh kế phù hợp vào mùa nước nổi mà không phải trông đợi nhiều từ con nước.