Ngày 18-2, tức mùng 9 Tết Giáp Thìn 2024, người dân từ các địa phương tấp nập trở lại TP.HCM để học tập, làm việc sau kỳ nghỉ dài ngày. Năm nay, trong khi cửa ngõ phía tây ùn ứ kéo dài thì cửa ngõ phía đông khá thông thoáng. Đặc biệt, đối với hàng không, người dân các địa phương đến TP.HCM tăng cao kỷ lục cả số lượng chuyến bay và hành khách.
Cửa ngõ phía tây tấp nập xe cộ
Ghi nhận của PV chiều 18-2 (tức mùng 9 Tết), cửa ngõ phía tây TP.HCM đón lượng lớn người dân từ các tỉnh miền Tây quay lại TP.HCM học tập, làm việc. Theo đó, nhiều tuyến đường thuộc cửa ngõ phía tây như Quốc lộ 1, đường Nguyễn Văn Linh, đường Kinh Dương Vương… ùn ứ kéo dài.
Vào lúc 17-18 giờ ngày 18-2, hàng dài xe xếp hàng chờ lưu thông trên Quốc lộ 1. Ùn ứ nghiêm trọng hơn cả là ở khu vực cầu Bình Điền 1, hướng từ tỉnh Long An đi TP.HCM. Nhiều xe khách, ô tô, xe tải… phải xếp hàng trên cầu vì lượng xe lưu thông tăng cao. Khu vực này nhiều thời điểm bị quá tải ở làn ô tô. Trong khi đó, ở làn xe máy, tình trạng ùn ứ ít nghiêm trọng hơn nhưng các xe phải nhích từng chút một.
Tương tự, trên đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương ùn ứ kéo dài ở làn ô tô. Theo đó, hàng dài xe khách, ô tô, xe tải… xếp hàng nhiều kilomet, nối đuôi nhau di chuyển chậm hướng từ cao tốc đến nút giao thông Bình Thuận.
Bến xe Miền Tây cũng đông đúc, nhộn nhịp không kém. Phía trước bến xe có đông nghịt hành khách xuống bến để quay lại TP.HCM.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Nhân Hậu, Trưởng phòng Điều hành Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết trong ngày 18-2 (tức mùng 9 âm lịch) và rạng sáng nay (19-2, tức mùng 10 âm lịch), xe chở khách từ các tỉnh miền Tây đến bến xe trên 1.700 xe, tương ứng với trên 45.000 khách đến bến.
Theo ông Hậu, mùng 9 âm lịch là một trong những ngày cao điểm người dân từ các tỉnh miền Tây quay lại TP.HCM sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Tuy nhiên, năm nay kỳ nghỉ Tết kéo dài nên từ mùng 5 đến mùng 8 âm lịch, lượng lớn hành khách từ các tỉnh cũng đã trở lại TP.HCM.
Tại Bến xe Miền Tây, ngày cao điểm nhất người dân từ các tỉnh miền Tây quay lại TP.HCM là mùng 5 Tết. Trong ngày này, xe đến bến trên 1.900 xe, tương ứng trên 48.000 hành khách.
Cửa ngõ phía đông TP.HCM: Chỗ đông, chỗ thoáng
Theo ghi nhận của PV, tại các tuyến đường cửa ngõ phía đông TP.HCM khoảng 17-18 giờ ngày 18-2, khu vực phía Quốc lộ 13 (nối TP.HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên) lượng xe không quá đông đúc, thậm chí có phần thông thoáng. Nhiều người từ khu vực Tây Nguyên và Bình Dương, Bình Phước di chuyển bằng xe máy chở theo lỉnh kỉnh đồ đạc trở lại TP.HCM.
Chị Hiền Mai (bán tạp hóa trên Quốc lộ 13) cho biết: “Đến nay con đường này thông thoáng cũng đúng. Vì khoảng từ mùng 5 Tết nhiều người đã đi xe máy quay lại TP.HCM. Nhất là hôm 17-2, xe máy, ô tô con và xe khách di chuyển rất nhiều, có thời điểm ùn ứ kéo dài trên con đường này”.
Trong Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh), nhiều hành khách đã xuống bến để về lại TP.HCM, tuy nhiên không có hiện tượng ùn ứ hay quá đông đúc tại bến. Nhiều người mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc ra khu vực ngoài bến và dễ dàng bắt xe buýt hay xe công nghệ để về nhà.
Các con đường xung quanh bến xe như Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí, Quốc lộ 13, Ung Văn Khiêm… cũng khá thông thoáng trong ngày cuối của kỳ nghỉ Tết.
Ông Đỗ Phú Đạt, Phó Tổng Giám đốc Bến xe Miền Đông cũ, cho biết ngày mùng 9 âm lịch, lượng khách không quá đông vì đa phần khách đã về bến rải rác từ những ngày trước (từ mùng 5 Tết tới nay). Trong hôm nay (mùng 10 âm lịch), lượng khách cũng sẽ không đông đúc và dự báo không có hiện tượng ùn ứ tại bến.
Trong khi đó, khu vực cửa ngõ phía đông, hướng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có hiện tượng ùn ứ nhẹ. Nguyên nhân là tại Quốc lộ 51 (hướng từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Đồng Nai) nhiều ô tô con và xe khách nối đuôi nhau kéo dài hàng kilomet, gây ra ùn ứ cục bộ trên con đường này.
Anh Nguyễn Vũ (lái ô tô con từ TP Vũng Tàu về TP.HCM) cho biết anh khởi hành từ Vũng Tàu lúc 15 giờ 30 nhưng do ùn ứ kéo dài nên gần 30 phút mới đi được 1 km.
Càng về chiều, khu vực cửa ngõ phía đông TP (hướng cao tốc TP.HCM - Phan Thiết - Dầu Giây) càng đông đúc nhưng các xe vẫn di chuyển ổn định, dù chậm nhưng không quá ùn ứ.
Tân Sơn Nhất gánh gần 1.000 chuyến bay ngày cuối nghỉ Tết
Cũng trong ngày 18-2 (tức mùng 9 âm lịch), tổng lượng khách từ các địa phương đến TP.HCM bằng đường hàng không cao kỷ lục cả số lượng chuyến bay và hành khách.
Đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết, tổng lượng khách đi/đến cả quốc tế và trong nước hôm 18-2 đạt gần 154.000 lượt với 978 chuyến bay.
Cũng theo vị này, sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM luôn là tâm điểm của hàng không dịp cao điểm Tết (từ ngày 8 đến 19-2) với lượng khách dao động 126.000 -154.000 người/ngày, trừ hai ngày mùng 1 và 2 Tết lùi về 100.000 lượt người/ngày. Tuy đông nhưng không quá ùn tắc bởi nhà ga quốc nội hiện hữu năng lực khai thác đã vượt công suất thiết kế 150%.
Đối với lượng khách quốc tế, số liệu khai thác từ Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho thấy bình quân mỗi ngày có 850-900 chuyến bay của các hãng hàng không quốc tế và trong nước đi/đến cảng. Mức này cao hơn ngày thường 1,5-2 lần.
Đại diện sân bay phân tích thêm dịp Tết tổng lượng khách thông qua cảng đông đúc từ sáng đến đêm nên cảng huy động tổng lực làm việc xuyên Tết, vừa đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn, an ninh.
Thực tế, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM nhiều năm qua kẹt cả bầu trời lẫn mặt đất, trong đó không gian để lên máy bay mỗi dịp lễ, Tết trở nên ngột ngạt do diện tích chật chội so với lượng khách chờ khởi hành (lúc cao điểm hơn 5.000 khách/giờ).
Khu vực ga đến cũng gồng gánh luồng khách đến tấp nập, chưa kể hành lý ký gửi cũng rất nhiều khiến khu vực này khá bí bách. “Hy vọng năm tới khi nhà ga T3 đưa vào hoạt động, chất lượng dịch vụ được nâng cao, góp phần hóa giải tình trạng ùn tắc cục bộ mỗi dịp lễ, Tết” - đại diện cảng chia sẻ.•
Ga Sài Gòn đông nhưng ổn định
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, ga Sài Gòn chiều 18-2 đón khá đông người dân từ các tỉnh, thành phía Bắc và miền Trung trở lại TP.HCM.
Theo đánh giá của nhân viên ga Sài Gòn, lượng khách ngày 18-2 đông nhưng cũng không phải cao điểm do nhiều nơi đã bắt đầu trở lại TP.HCM làm việc từ những ngày trước. Lượng khách về TP.HCM cao điểm là khoảng ngày 15-2 đến 16-2 (nhằm mùng 6 và mùng 7 âm lịch).
Ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, thông tin ngày 18-2, có 17 chuyến tàu về đến ga Sài Gòn, TP.HCM mỗi chuyến tàu có khoảng 600 chỗ. Khách sẽ xuống rải rác ở các ga trên hành trình vào Nam.
"Tàu về dừng ở các ga, khách sẽ xuống tại các ga khác. Do đó lượng khách về TP.HCM đợt này cũng tương đối ổn định"- ông Luyện nói.