Người đạt tín nhiệm thấp có thể phải xin từ chức hoặc bị miễn nhiệm

(PLO)- Người được lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả tín nhiệm đạt thấp có thể phải xin từ chức hoặc Quốc hội hoặc HĐND cấp tỉnh, huyện sẽ tổ chức bỏ phiếu miễn nhiệm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-6, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội (QH) đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2023.

Những ai bị lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm?

Theo nghị quyết, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Tổng Thư ký QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của QH; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Trưởng ban HĐND cấp tỉnh, huyện; Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Uỷ viên UBND cấp tỉnh, huyện.

Kết quả biểu quyết của QH về việc thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ảnh: TP

Kết quả biểu quyết của QH về việc thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Ảnh: TP

Về các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm, Nghị quyết chỉ rõ Uỷ ban Thường vụ QH sẽ trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ QH tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của QH; có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu (ĐB) QH; Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND trong các trường hợp có kiến nghị của ít nhất là một phần ba tổng số ĐB HĐND; có kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Nghị quyết cũng yêu cầu rõ người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo đầy đủ, trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà cử tri và Nhân dân có ý kiến hoặc ĐBQH, ĐB HĐND yêu cầu (nếu có).

Căn cứ đánh giá mức tín nhiệm

Nghị quyết chỉ rõ hai căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Trước hết là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể, phải có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; tinh thần trách nhiệm trong công việc, thái độ phục vụ Nhân dân. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thực, công tâm, khách quan, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, ý thức tổ chức kỷ luật; việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; thực hiện các quy định của cơ quan, đơn vị nơi công tác; khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm.

Việc thực hiện những điều đảng viên, cán bộ, công chức không được làm và trách nhiệm nêu gương; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH

Các ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết. Ảnh: QH

Căn cứ thứ hai là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cụ thể, kết quả công tác lãnh đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách. Tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

Kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kết quả lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ, thu hút, trọng dụng nhân tài; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát.

Số lượng, chất lượng sản phẩm, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý.

Kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận về giám sát chuyên đề, về chất vấn và các nghị quyết, kết luận khác của QH, Ủy ban Thường vụ QH, HĐND; kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ ĐB HĐND và ĐB HĐND.

Kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân trong lĩnh vực, phạm vi phụ trách; kết quả thực hiện các cam kết và các vấn đề đã hứa (nếu có).

Tín nhiệm thấp có thể xin từ chức

Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, Nghị quyết chỉ rõ kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH trình QH, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình QH, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất;

Trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm