Người Mohican thế hệ SEAP Games 1959 Trần Văn Nhung qua đời

Tại Việt Nam, ông Trần Văn Nhung là người Mohican cuối cùng của thế hệ cầu thủ đoạt HCV SEAP Games lần I – 1959 tại Bangkok sau khi thắng chủ nhà Thái Lan cả ở vòng loại lẫn chung kết.

Ông Nhung thời khoác áo cầu thủ có biệt danh là ‘thần mã’ ở biên phải do nổi tiếng với những cú dốc bóng tốc độ mà các hậu vệ rất ngán. Ông còn có tên gọi là Pierre khi từng có quốc tịch Pháp.

Cái tên Trần Văn Nhung tự Pierre đến giờ vẫn còn được lưu trong sử sách bóng đá và có mặt trong đội hình xuất phát của tuyển miền Nam Việt Nam thắng Thái Lan 1-0 ở vòng bảng và 3-1 ở trận chung kết SEA Games 1959.

Những danh thủ vang bóng một thời trong đó có nhiều người từng dự trận chung kết SEAP Games 1959. Ảnh: TƯ LIỆU

Đội hình chính tham dự SEAP Games 1959. Ảnh: TƯ LIỆU

Anh chụp tại sân Vườn Ông Thượng, nay là sân Tao Đàn, TP.HCM trước chuyến tham dự SEAP Games 1959. Ảnh: TƯ LIỆU

Đầu năm 2020, báo Pháp Luật TP.HCM cùng Tổng thư ký Chi hội Cựu cầu thủ TP.HCM – ông Hồ Nguyễn đến nhà thăm hỏi và trao quà cho ‘thần mã’ Trần Văn Nhung. Thời điểm đấy ông Nhung nhìn đã già yếu được con trai chăm sóc sau nhiều lần bị tại biến nhưng đều qua khỏi, nhưng ông rất vui khi được mọi người đến thăm. Cũng không ngờ đó là năm cuối cùng mà Chi hội Cựu cầu thủ cùng báo Pháp Luật TP.HCM còn gặp được người cựu danh thủ gắn với lịch sử lâu đời của bóng đá Việt Nam trong đó ấn tượng nhất là chiếc HCV SEAP Games lần I – 1959.

Ông Hồ Nguyễn trong chuyến cùng Báo Pháp Luật TP.HCM thăm ông Trần Văn Nhung dịp giáp tết năm 2020.

Dưới đây là những thước phim quý ghi lại một trong những kỷ niệm cuối mà chúng tôi cùng đại diện Chi hội Cựu cầu thủ TP.HCM đến thăm cựu danh thủ Trần Văn Nhung hồi đầu năm 2020. 
(Trích từ Chương trình Người Tử Tế của Báo Pháp Luật TP.HCM). 

Chủ tịch Chi hội Cựu cầu thủ TP.HCM, cựu tuyển thủ Hồ Thanh Cang chia sẻ: “Hồi nhỏ, khi xem đá bóng trên sân Tao Đàn hay sân Cộng Hòa mà sau này đổi tên thành sân Thống Nhất, tôi rất thích tuyển thủ chạy cánh phải mà hồi đó mọi người hay gọi là hữu biên, Đó là ông Trần Văn Nhung, cầu thủ mà tôi luôn xem là thần tượng. Ông không chỉ mạnh ở những lần xé biên mà còn rất nguy hiểm với những quả lật bóng vào nguy hiểm hoặc dựt điểm vào góc hẹp ăn bàn. Lớn lên, khi vào tập năng khiếu, tôi trở thành học trò ruột của ông vì cùng chơi ở biên phải...”.

Một lần ghé thăm ông khi ông còn minh mẫn và nói chuyện về bóng đá thật nhiều, khi hỏi ông điều ao ước tuổi già của ông là gì thì thật ngạc nhiên khi ông rưng rưng: ‘Ao ước lớn nhất là thế hệ cầu thủ bây giờ có chiếc HCV SEA Games. Anh em trong lứa đoạt HCV SEAP Games tụi tôi hồi đó, hay nói với nhau Việt Nam mình mà có HCV SEA Games nữa thì vui lắm. Vậy mà cứ lần lượt những Hiếu, Myo, Tỷ, Tư Cụt… ra đi. Trẻ nhất lứa hồi đó là Nguyễn Ngọc Thanh (mất 2015) thế mà cũng nhắm mắt mà ước ao có thêm HCV SEA Games vẫn chưa thành…’.

Người Mohican thế hệ SEAP Games 1959 Trần Văn Nhung qua đời ảnh 5
 

Người Mohican thế hệ SEAP Games 1959 Trần Văn Nhung qua đời ảnh 6
Chiếc HCV SEAP Games 1959

Người Mohican thế hệ SEAP Games 1959 Trần Văn Nhung qua đời ảnh 7
Và lời chúc của người cựu danh thủ trước khi đội U-22 Việt Nam lên đường dự SEA Games 30-2019 với mong muốn có HCV...

Người Mohican thế hệ SEAP Games 1959 Trần Văn Nhung qua đời ảnh 8
HLV Park Hang-seo trao quà cùng lời hứa sẽ cùng U-22 Việt Nam hết mình để đoạt HCV SEA Games và họ đã đạt được như ao ước của bao thế hệ. Ảnh: LĐBĐ VIỆT NAM.

Ông Nhung may mắn hơn thế hệ đồng đội mình là còn được chứng kiến chiếc HCV SEA Games 30 rồi mới nhắm mắt. Chia sẻ với chúng tôi và cùng nhớ về lần thăm ông gần nhất, Tổng thư ký Chi hội Cựu cầu thủ Hồ Nguyễn nói: ‘So với thế hệ cầu thủ từng đoạt HCV SEAP Games 1959 có lẽ đây là cuộc ra đi muộn nhất và hạnh phúc nhất vì ông đã thỏa mãn ước nguyện’.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm