Nhiều câu chuyện thú vị về thị trường Nhật Bản, hàng Việt Nam khi bán sang Nhật Bản… đã được các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) chia sẻ tại hội thảo liên quan đến xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản diễn ra tại TP.HCM ngày 12-12.
Hàng Việt thua Thái Lan khi vào Nhật
Ông Yuichiro Shiotani, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam (công ty phụ trách hoạt động xuất khẩu hàng Việt sang các thị trường nước ngoài thông qua hệ thống đại siêu thị AEON của Nhật), nhận xét: Trái xoài của Việt Nam về độ ngọt tương tự xoài Thái Lan và Philippines nhưng đáng tiếc là giá lại cao hơn nhiều. Hơn nữa, xoài Việt Nam có độ ngọt không ổn định, không đồng đều về chất lượng.
“Có lần tôi mua được một trái xoài ngọt của Việt Nam. Ăn thấy ngon quá nên tôi đi mua tiếp thì lại mua phải trái xoài không ngọt với giá không hề rẻ. Nếu là người mua mà gặp trường hợp như tôi thì các bạn thấy cũng khó chịu chứ” - ông Yuichiro Shiotani dẫn chứng.
Không chỉ vậy, theo ông Yuichiro Shiotani, hiện quả xoài của Thái nhập qua đường hàng không đến Nhật Bản giá chỉ có 96 cent. Trong khi đó xoài Việt Nam nhập qua Nhật Bản bán với giá lên đến hơn 2,3 USD, tức cao gấp mấy lần. Nguyên nhân là do chi phí vận chuyển từ TP.HCM đi Nhật cao gấp đôi so với các nước khác, do vậy Việt Nam cần giảm giá cước vận chuyển hàng xuất khẩu.
Đại diện Công ty AEON TOPVALU Việt Nam cũng cho hay tháng 10 vừa qua đã xuất khẩu xoài của Việt Nam sang thị trường Nhật và sản phẩm này được ưa chuộng. Bởi người Nhật không chỉ sử dụng hàng Nhật mà họ còn sẵn sàng mua hàng của nước khác với điều kiện là hàng chất lượng, giá hợp lý.
Vì vậy, quả xoài Việt Nam phải hạn chế được sự không đồng đều về chất lượng. Thực tế việc khống chế độ đường của xoài không phức tạp, chủ yếu là biết cách chọn lựa thời điểm thu hoạch sản phẩm, cách bảo quản, đưa hàng đi một cách khoa học.
“Theo tôi, đây là điều cần thiết phải làm. Nếu Việt Nam sản xuất đảm bảo ổn định chất lượng, người Nhật sẽ chọn sản phẩm của các bạn. Các DN Việt nên đến Nhật để tìm hiểu thị trường, xem người Nhật cần gì… nếu muốn bán được nhiều hàng sang thị trường này. Riêng với trái xoài, tôi hy vọng năm tới Việt Nam có thể xuất khẩu 100 tấn xoài sang Nhật Bản” - ông Yuichiro Shiotani nói.
Ông Yuichiro Shiotani đang chia sẻ kinh nghiệm bán hàng sang Nhật với các công ty Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Thua vì tư duy… dễ dãi
Vị đại diện Công ty AEON TOPVALU Việt Nam cũng cho hay từ đầu năm nay, sản phẩm giấy vệ sinh của Việt Nam đã vượt qua khỏi Trung Quốc tại thị trường Nhật. Nhưng đáng tiếc là những sản phẩm này không phải từ DN Việt xuất khẩu qua Nhật mà được sản xuất bởi DN Nhật tại Việt Nam.
“Không chỉ có thế, hàng thủy sản Việt Nam cũng bắt đầu thua những nước như Indonesia, Myanmar, Campuchia, Bangladesh… về giá. Do vậy, các DN Việt cần phải có giải pháp để giảm giá, tăng giá trị sản phẩm” - vị đại diện công ty Nhật khuyến nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Việt, Tổng Giám đốc Công ty Fosllea, chuyên tư vấn xúc tiến làm thương mại với các công ty Nhật Bản-Việt Nam, thẳng thắn: Xuất khẩu sang thị trường Nhật không hề đơn giản, một phần nguyên nhân xuất phát từ… tư duy của DN Việt. Ông kể câu chuyện về việc xúc tiến để một công ty sản xuất túi vải của Việt Nam cho đối tác Nhật.
Cụ thể, phía DN Việt nghĩ rất đơn giản nên họ bỏ qua một vài yêu cầu của DN Nhật. Theo đó, khi đóng hàng trong thùng carton, đối tác Nhật yêu cầu phải đóng năm lớp, vì khi chồng hàng trong container phía bên dưới chịu lực lớn khiến hàng có thể hư hỏng. Nhưng DN Việt nghĩ đóng ba lớp là tốt rồi. Hệ quả là sau khi hàng đến Nhật, thùng carton bị hư hỏng hết và DN Việt bị thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Mạnh Việt còn kể câu chuyện khác để chứng minh cho sự dễ dãi của DN Việt. Theo đó, một đối tác Nhật Bản muốn chuyển vài nhà máy đến Việt Nam và họ đi tìm đối tác là một công ty sản xuất túi giấy ở Hà Nội.
Đáng tiếc là khi xuống xưởng sản xuất của công ty này, đối tác người Nhật phát hiện công nhân ngồi dưới đất, rất bẩn trong khi túi giấy mà họ yêu cầu làm là túi đựng bánh, thực phẩm cần phải sạch sẽ. Thậm chí công nhân còn ngồi đè lên túi để gấp đường mép túi.
“Phía Nhật rất bực. Họ vào văn phòng công ty trên nói thẳng: Đáng lẽ tất cả những người (lãnh đạo công ty - PV) ngồi ở văn phòng phải xuống dưới kia ngồi, còn những công nhân đang làm bao bì phải lên bàn sạch sẽ ngồi. Vì cái sinh ra lợi nhuận cho công ty là chiếc túi thì nó phải được làm ở nơi sạch sẽ như văn phòng” - ông Việt cho hay.
Cuối cùng, theo ông Việt, đối tác Nhật bỏ luôn nhà cung cấp trên. Như vậy DN Việt đã bỏ qua một cơ hội lớn làm ăn với người Nhật khi đơn hàng chỉ cho một loại túi đã lên đến 4-5 container/năm, tương đương khoảng 9 tỉ đồng. Từ câu chuyện trên, ông Việt cho rằng cần xây dựng quy trình sản xuất, quản lý chất lượng tốt… thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
Cùng quan điểm trên, ông Yuichiro Shiotani nhìn nhận tiêu chuẩn hàng hóa thì Nhật và Việt Nam không khác nhau lắm. Thậm chí ở Việt Nam có những tiêu chuẩn còn khắt khe hơn so với ở Nhật nhưng hàng xuất khẩu không đạt yêu cầu vì áp dụng trên thực tế khác tiêu chuẩn hoặc tiêu chuẩn cao nhưng áp dụng chỉ ở mức thấp.
Chỉ muốn kiếm tiền thật nhanh Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, đánh giá nhiều DN muốn kiếm tiền nhanh, không coi trọng việc xây dựng niềm tin, xây dựng văn hóa kinh doanh. Chính vì thế có HTX rất lớn phải trả giá, mất 5-6 tỉ đồng vì hàng xuất đi bị trả lại. Một số sản phẩm dán nhãn VietGap chỉ để đối phó, để bán được hàng chứ không thực chất. Bà Minh cũng cho biết tiềm năng của thị trường Nhật rất lớn và DN Nhật nắm nhiều bí quyết, công nghệ hay. Vấn đề quan trọng nhất là DN Việt cần xây dựng được niềm tin với DN Nhật về chất lượng. “Nếu DN Việt khi làm việc với các đối tác Nhật mà xây dựng được uy tín thì họ sẵn sàng hỗ trợ” - bà Minh nhấn mạnh. Mì ăn liền Việt Nam sang Nhật Hiện nay Aeon đã xuất khẩu mì ăn liền của Việt Nam với nhiều hương vị khác nhau sang Nhật, sắp tới có thể xuất khẩu phở bò. Năm 2018 dự kiến giá trị hàng Việt xuất khẩu qua hệ thống Aeon khoảng 280 triệu USD. Tuy vậy, đại diện Công ty AEON TOPVALU Việt Nam lưu ý một số sản phẩm ăn liền gặp những vấn đề như lẫn dị vật, gia vị. Lý do nhà sản xuất thường mua gia vị từ một nhà cung cấp khác nên thành phần không thống nhất, lẫn lộn. |