Người từ bị hại thành bị cáo sau 2 lần tòa hủy án kháng cáo kêu oan

(PLO)- Cáo buộc cho rằng vai trò giúp sức của Hùng là rất tích cực, nếu không có Hùng thì Huy không thể chiếm đoạt số tiền rất lớn của các bị hại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-7, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm (bằng hình thức trực tuyến) đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hùng về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trước đó, bị cáo Hùng đã bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về hai tội trên. Bị cáo Hùng kháng cáo kêu oan.

Nguyễn Thanh Hùng từ bị hại thành bị cáo.
Phiên tòa tại điểm cầu TAND TP Cần Thơ có bị cáo Hùng và hai luật sư bào chữa. Ảnh: NHẪN NAM

Tại phiên tòa, luật sư của bị cáo Hùng cho rằng bị cáo này kháng cáo kêu oan nhưng đồng phạm là bị án Trần Hoàng Huy và người liên quan vắng mặt nên đề nghị hoãn phiên tòa, triệu tập bị án và những người liên quan tham gia để làm rõ vụ án.

Đại diện VKS cho rằng việc vắng mặt bị án Huy và người liên quan không ảnh hưởng việc xét xử nên đề nghị HĐXX tiếp tục phiên tòa.

Sau khi HĐXX thảo luận, thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho biết do đây là lần thứ nhất mở phiên tòa, bị án Huy chưa trích xuất được và các người liên quan vắng mặt chưa rõ lý do nên HĐXX quyết định hoãn phiên tòa hôm nay, sẽ mở lại vào một ngày khác.

Trước đó, ngày 31-1, xét xử sơ thẩm (lần thứ ba), TAND TP Cần Thơ đã tuyên phạt Trần Hoàng Huy 11 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hùng 10 năm 6 tháng tù cùng về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Vụ án này ban đầu chỉ có một bị cáo Huy. TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hai lần xét xử phúc thẩm đều tuyên hủy án sơ thẩm để trả hồ sơ điều tra bổ sung nhằm làm rõ vai trò đồng phạm với bị cáo Huy.

Trong lần xử phúc thẩm lần ba hồi năm 2022, HĐXX cho rằng vai trò giúp sức của Hùng là rất tích cực, nếu không có Hùng thì Huy không thể chiếm đoạt số tiền rất lớn của các bị hại. Việc không xem xét xử lý hành vi phạm tội của Hùng là giải quyết không triệt để vụ án, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội. Từ đó, Hùng "từ bị hại thành bị cáo".

Theo cáo trạng, khoảng đầu năm 2015, khi còn công tác tại Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ, Huy biết Nguyễn Thanh Hùng có nhu cầu xin vào ngành công an nên hứa xin việc cho Hùng vào Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ.

Huy nói dối cơ quan đang thành lập bệnh xá, cần tuyển dụng công dân vào lực lượng Công an nhân dân với các chuyên ngành y, dược, kế toán, công nghệ thông tin…; sau thời gian tạm tuyển sáu tháng sẽ chính thức vào biên chế.

Chi phí là 160 triệu đồng/hồ sơ, khi nộp hồ sơ thì đưa trước 70 triệu đồng, khi có quyết định chính thức thì đưa số tiền còn lại. Hùng đồng ý. Sau đó, Huy đưa cho Hùng một quyển lý lịch cán bộ, hướng dẫn Hùng viết lý lịch cá nhân nộp cùng bằng cấp, chứng minh nhân dân, hộ khẩu. Hùng đưa trước cho Huy 70 triệu cùng hồ sơ xin việc.

Sau đó, Hùng thành đồng phạm có vai trò giúp sức cho Huy chiếm đoạt tiền của 5 người khác. Chính Hùng là người tiếp xúc với các bị hại, ra giá 300 triệu đồng/hồ sơ và nhận tiền của các bị hại đưa cho Huy với mỗi hồ sơ 160 triệu đồng, còn 140 triệu đồng Hùng giữ riêng.

Ngoài ra Hùng còn nói với các bị hại đưa thêm chi phí để lãnh đạo đi Hà Nội nhận quyết định tuyển dụng, mỗi người 5-10 triệu đồng.

Tổng số tiền Hùng đã nhận của 5 bị hại là 1,54 tỉ đồng; Hùng đưa cho Huy 750 triệu đồng, giữ lại 790 triệu đồng. Tổng số tiền Huy chiếm đoạt của Hùng và 5 bị hại khác là 820 triệu đồng.

Đến ngày hẹn, các bị hại không nhận được việc làm như trong quyết định (làm giả), một số bị hại đã tố giác Huy, Hùng lừa đảo…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm