Người xây dựng quy trình sản xuất kit test cho Công ty Việt Á

(PLO)- Bà Hồ Thị Thanh Thủy, vợ ông Phan Quốc Việt-Chủ tịch Công ty Việt Á đã nghiên cứu các tài liệu của WHO và các nước khác để xây dựng quy trình sản xuất kit test COVID-19.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan vụ án Việt Á-Học viện Quân y, Viện Kiểm sát quân sự trung ương truy tố 4 cựu quân nhân thuộc Học viện Quân y gồm: Hồ Anh Sơn, cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự; Nguyễn Văn Hiệu, cựu Trưởng phòng Trang bị, vật tư; Ngô Anh Tuấn, cựu Trưởng phòng Tài chính; Lê Trường Minh, cựu Trưởng ban Hóa dược.

Việt Á
Kit test của Công ty Việt Á

Các bị cáo còn lại gồm Trịnh Thanh Hùng, cựu Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH-CN; Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Á; Vũ Đình Hiệp, Phó tổng giám đốc Công ty Việt Á.

Theo cáo trạng, tháng 1-2020, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và có nguy cơ lây lan vào Việt Nam, Ban Giám đốc Học viện Quân y chỉ đạo các cơ quan triển khai nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit chẩn đoán viêm phổi do virus Corona.

Thượng tá Hồ Anh Sơn, khi ấy là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, đã trình lãnh đạo Học viện Quân y ký công văn gửi Bộ KH-CN, đề xuất phát triển bộ kit nói trên.

Sau khi nhận được văn bản, do quen biết Phan Quốc Việt từ trước, ông Trịnh Thanh Hùng yêu cầu thượng tá Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Công ty Việt Á cùng tham gia đề tài.

Từ đó, Công ty Việt Á xuất hiện trong Đề tài nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019.

Đề tài có tổng kinh phí gần 19 tỉ đồng, trích từ ngân sách nhà nước, do Thượng tá Hồ Anh Sơn làm chủ nhiệm, theo phân công, Học viện Quân y có nhiệm vụ xây dựng quy trình để Công ty Việt Á chế tạo thử nghiệm 20.000 bộ kit test.

Trên cơ sở tham khảo quy trình do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, nhóm nghiên cứu Học viện Quân y đã tối ưu hóa, bước đầu tìm ra quy trình chế tạo bộ sinh phẩm.

Ngày 10-2-2020, Thượng tá Sơn ký biên bản bàn giao quy trình trên cho Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm nhưng không có thông tin chi tiết về công thức mồi và mẫu dò. Dựa trên quy trình này không đủ điều kiện để sản xuất 20.000 test thử nghiệm.

Khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2-2020, Hồ Thị Thanh Thủy (vợ Phan Quốc Việt), Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Á đã nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu do WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và một số nước khác công bố trên mạng internet và xây dựng quy trình sản xuất kit. Sau khi nghiên cứu xong quy trình, bà Thủy đặt hàng mua các hóa chất để sản xuất kít xét nghiệm.

Thượng tá Sơn và Phan Quốc Việt thống nhất cho chạy thử song song bộ sinh phẩm do Học viện Quân y nghiên cứu và bộ kit do phía Công ty Việt Á cung cấp. Kết quả, bộ kit của Công ty Việt Á đạt chất lượng tốt hơn.

Tiếp đó, bộ kit của Công ty Việt Á được đưa đi thử nghiệm, kết quả đạt chuẩn và được nghiệm thu đề tài. Như vậy, đề tài được nghiệm thu dựa trên bộ kit test của Công ty Việt Á, không phải từ kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y.

Khoảng tháng 4-2020, Thượng tá Hồ Anh Sơn trình lãnh đạo Học viện Quân y ký biên bản bàn giao kết quả nghiên cứu bộ kit test COVID-19 cho Công ty Việt Á. Sau đó, Công ty Việt Á hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép lưu hành bộ kit test.

Sau khi được cấp phép, Công ty Việt Á đã sản xuất hàng triệu triệu kit test, nâng khống giá rồi bán, tặng cho các đơn vị, cơ sở y tế thu lợi bất chính. Để cảm ơn, Phan Quốc Việt bồi dưỡng cho ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, cho Thượng tá Hồ Anh Sơn gần 2,5 tỉ đồng.

Cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự trung ương cáo buộc Trịnh Thanh Hùng đã thông đồng với Phan Quốc Việt, Hồ Anh Sơn đưa bộ kit do Công ty Việt Á cung cấp đi thử nghiệm và sử dụng sản phẩm này để nghiệm thu dẫn đến quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y không có sản phẩm được thử nghiệm, Đề tài không hoàn thành.

Hành vi gian dối của nhóm 3 bị can trong việc tiếp nhận, nghiên cứu, nghiệm thu, quyết toán số tiền nghiên cứu đề tài đã gây thiệt hại gần 19 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm