Ngày 16-10, ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictours, cho biết trong các phương án mà địa phương đưa ra để các hãng tàu biển lựa chọn cập cảng khi đến Nha Trang (Khánh Hòa) thì cảng quốc tế Cam Ranh là phương án khả dĩ nhất lúc này, vì nơi đây có đầy đủ chức năng, hạ tầng theo đúng quy định.
Trước đó, chiều 15-10, tại cuộc họp bàn giải pháp đón tàu biển quốc tế do Sở Du lịch Khánh Hòa chủ trì, có hai phương án tạm thời được đưa ra cho tàu du lịch cập cảng là bến du thuyền Ana Maria ở TP Nha Trang và cảng quốc tế Cam Ranh trong Vùng 4 Hải quân.
Hàng loạt hãng tàu tiếp tục hủy lịch ghé Nha Trang
Theo ông Thắng, dù có hai phương án nhưng chỉ có cảng quốc tế Cam Ranh khả dĩ vì bến du thuyền Ana Maria hiện chưa đủ thủ tục do cơ quan thẩm quyền cấp phép để đón tàu trọng tải lớn.
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng hãng tàu có chọn cập cảng ở cảng quốc tế Cam Ranh hay không lại là chuyện khác.
Cùng ngày, ông Đỗ Thanh Long, Giám đốc Công ty TNHH Đại lý hàng hải Hải Đăng Nha Trang, xác nhận vừa gửi thông báo đến các cơ quan chức năng việc công ty này phải hủy thêm sáu chuyến tàu du lịch biển quốc tế đã đăng ký đến TP Nha Trang trong tháng 1-2025, với tổng cộng khoảng 16.000- 17.000 khách.
Hôm 10-10, Công ty TNHH Đại lý hàng hải Hải Đăng Nha Trang cũng có thông báo tương tự gửi cơ quan chức năng liên quan việc hủy đăng ký đón bảy chuyến tàu du lịch biển quốc tế với 16.000 du khách quốc tế đến Nha Trang từ ngày 25-10 đến cuối năm 2024.
Bảy tàu biển quốc tế hủy đưa du khách các nước đến Nha Trang là Quantum Of The Seas với 4.000 khách; Celebrity hủy cả ba chuyến, tổng cộng 8.400 khách; các tàu Regatta và Seven Seas Explorer, mỗi tàu 800 khách; Noordam 2.000 khách.
Từ cuối tháng 9 đến nay, khi Công ty CP Cảng Nha Trang có văn bản tạm dừng đón các chuyến tàu biển quốc tế đến cảng Nha Trang, riêng Công ty TNHH Đại lý hàng hải Hải Đăng Nha Trang có đến 13 hãng liên tiếp thông báo hủy bỏ lịch trình đến Nha Trang như dự kiến. Lý do là không có điểm để tàu cập bến, đưa du khách lên bờ tham quan, mua sắm.
Theo ông Long, việc hủy tất cả 13 chuyến tàu biển quốc tế đã đăng ký với hơn 32.000 du khách nhiều nước đến Nha Trang - Khánh Hòa là do quyết định của các chủ hãng tàu biển nước ngoài. Ông Long dự báo sẽ có thêm nhiều hãng tàu thông báo hủy lịch trình đến Nha Trang trong thời gian tới nữa.
Du lịch Nha Trang- Khánh Hòa bị ảnh hưởng nặng
Nhiều công ty lữ hành quốc tế, đại lý hàng hải, đại lý tour chuyên đón khách tàu biển lo ngại tình hình các hãng tàu hủy chuyến nhiều như hiện nay sẽ gây thiệt hại lớn đối với họ. Điều lo ngại hơn là các hãng tàu sẽ loại Nha Trang - Khánh Hòa ra khỏi các tour bán vé trong tương lai. Khi đó, hình ảnh uy tín du lịch của Nha Trang - Khánh Hòa sẽ ảnh hưởng nặng nề.
Theo phân tích của các doanh nghiệp chuyên đón khách tàu biển, mỗi chuyến khi cập cảng Nha Trang đều có chuyên gia review, blogger du lịch đi theo.
“Những người này sẽ đảm nhận nhiệm vụ review điểm đến để quảng bá khi bán tour. Điều này cực kỳ quan trọng vì sẽ quyết định việc khách chọn điểm đến. Nếu một chuyến tàu trung bình có trên 2.000 khách lên bờ mua sắm, tham quan gọi là thành công. Chưa kể, nếu số hành khách này đến tham quan Nha Trang lần đầu, và nếu có ấn tượng, họ sẽ quay lại sau, đưa theo bạn bè, gia đình và chơi lâu hơn”- ông Trần Phúc Thảo, Giám đốc TNHH TM&DV du lịch Thành Thành phân tích.
Ngoài ra, dù Nha Trang là cảng nhỏ nhưng khá quan trọng với chủ tàu vì bờ biển đẹp, nhiều danh lam, thắng cảnh. Điều này rất được ưu tiên khi họ giới thiệu, quảng bá bán tour.
Theo các doanh nghiệp, dòng khách du lịch bằng tàu biển đến Nha Trang - Khánh Hòa chủ yếu từ các quốc gia, như Mỹ, Đức, Canada, Australia, Colombia, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore...
Cách tạo doanh thu từ khách du lịch hạng sang
Theo ông Trần Phúc Thảo, Giám đốc TNHH TM&DV du lịch Thành Thành, đặc thù của khách tàu biển là không lưu trú so với các loại hình du lịch khác. Do vậy, nếu không khai thác hợp lý sẽ không tạo ra được lợi nhuận về kinh tế nhiều, đa dạng so với khách chọn tour máy bay hay tàu hỏa,…
Theo ông Thảo, các địa phương đều ưa thích đón khách tàu biển vì đây là dòng khách sang, có khả năng chi trả cao. “Lượng khách tàu biển thường lớn. Đa phần tàu cao cấp xuất phát từ những địa danh nổi tiếng do đó thu hút truyền thông và có giá trị cao về mặt quảng bá".
"Ngoài ra, khách tàu biển dành phần lớn thời gian thư giãn trên tàu, mỗi địa phương khi tàu ghé lại thường 1-2 ngày. Khi khách ghé tham quan các địa phương đó nếu họ thấy yêu thích thì khả năng họ sẽ quay lại địa phương đó để đi du lịch là rất cao. Do vậy việc tàu biển ghé cũng có giá trị cao trong việc thu hút khách đến địa phương đó trong tương lai bằng các phương tiện khác”- ông Thảo nói.
Ngoài ra, nếu xét về mặt du lịch, rõ ràng không có bất lợi khi đón khách du lịch bằng tàu biển. “Đặc thù của tàu biển là không lưu trú. Tuy vậy, khi họ lên bờ cũng sử dụng nhiều dịch vụ. Về mặt doanh thu thì vẫn tốt, đặc biệt là nhà hàng, vận chuyển, điểm tham quan,… Quan trọng là chúng ta phải tạo ra được các tour, tuyến hấp dẫn, ‘gợi’ được sự thích thú để du khách xuống tiền”- ông Thảo nói thêm.
Theo các doanh nghiệp chuyên đón tàu biển, một trong những yếu tố để Nha Trang - Khánh Hòa nói riêng, Việt Nam nói chung thu hút khách du lịch tàu biển là có các cảng biển lớn, thành phố trung tâm mặt biển và cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều điểm tham quan văn hóa, di tích.
“Khách tàu biển họ rất thích các điểm tham quan mang tính văn hóa truyền thống, lịch sử lâu năm. Vì thế, vừa qua đi khảo sát một số điểm đến ở huyện Cam Lâm đều không được các đại lý, công ty lữ hành lựa chọn vì chỉ có cừu, xoài. Cái này chắc chắn du khách tàu biển sẽ không hài lòng”- ông Thảo chia sẻ.