Nguyễn Ngọc Tư “công khai tình mới”

Trên trang web riêng của mình, Nguyễn Ngọc Tư giới thiệu tập thơ mình một cách hóm hỉnh như Công khai tình mới hay Mời cưới với lời rao: “Bạn là người yêu thơ? Cưới ngay Chấm kẻo lỡ!”.

Chơi đâu thì tôi cũng quay về

. Chuẩn bị ra mắt tập thơ mới, cảm xúc của chị lúc này thế nào?

+ Nhà văn NGUYỄN NGỌC TƯ: Chữ nghĩa trong ấy vẫn là Tư hay đã khác rồi, tôi nhường lời cho người đọc. Vào những thời khắc đặc biệt với những tâm trạng đặc biệt, những cảm giác không thể tách bạch, tôi thấy mấy cái khó đỡ này thơ chơi được. Nên độc giả đã từng rất ưng văn xuôi của tôi cũng đừng lo lắng, chơi đâu thì tôi cũng quay về.

. Các tác phẩm thơ của chị trước nay đều gây chú ý bởi sự pha trộn giữa thơ và văn xuôi. Trang văn lắm khi nên thơ như một bài vọng cổ, còn bài thơ nào hình như cũng có câu chuyện trong đó. Từ đó có ý kiến chị hợp với văn xuôi hơn thơ. Chị nghĩ gì về điều này?

+ Tôi thấy chạy đi chạy lại giữa các đám đông cũng giống như đẽo cày giữa đường, một hành động tuyệt vọng. 10 năm trước, mở một trang trắng ra, tôi đắn đo không biết mình viết cái này người ta có thích không. Bây giờ gõ chữ đầu tiên của một truyện ngắn, tôi rạo rực nghĩ mình khoái ý tưởng này quá, chắc hay lắm đây (tất nhiên từ ý tưởng đến tác phẩm có một độ chênh lớn, như từ mộng ra hiện thực vậy). Tôi không thể chưa đi mà đã sợ con đường đó không hợp với mình. Thử xem sự quyền biến của chữ nghĩa ra sao, tôi nghĩ bất cứ người viết nào cũng có quyền sáng tạo, trừ khi anh ta lười, thấy ngồi một chỗ ăn đong vinh quang quá khứ là được rồi.

Nguyễn Ngọc Tư “công khai tình mới” ảnh 1

Nguyễn Ngọc Tư nói về tập thơ Chấm: “Chuyện duy nhất mới mà tôi có thể bạo dạn khoe là cuốn này ít chữ và nhiều chỗ ngắt dòng”.

. Gần đây truyện Cánh đồng bất tận được chuyển thể sang phim gây sự chú ý đặc biệt. Vậy khi những bài thơ ra đời chị có hy vọng các nhạc sĩ sẽ phổ nhạc thơ của chị thành những bài hát nổi tiếng hay không?

+ Không. Thật chẳng ra làm sao khi một người ngồi viết và nghĩ tới chuyện thiên hạ làm phim, viết nhạc từ những tác phẩm của mình. Anh ta chỉ biết mỗi việc viết ra thôi. Và viết sao cho tử tế nhất có thể. Vật lộn với hai chữ tử tế đã mệt đừ rồi, hơi sức đâu. Tôi luôn nghĩ, làm tốt việc của mình đi đã, đây mới là phận sự và trách nhiệm của mình, chỉ chữ và chữ thôi.

Làm lụng hết mình để viết tử tế

. Chị vốn nổi tiếng và đi lên từ khó khăn, còn bây giờ chị có thể ăn ngon, tắm mát, ngửi hương thơm, ngủ đẫy giấc… thì có còn giữ mãi sự sáng tạo trong văn học hay không?

+ Tôi chưa thấy một người viết nghiêm túc nào mà có thể “ăn ngon, tắm mát, ngửi hương thơm, ngủ đẫy giấc” như người ta vẫn tưởng. Ngay cả khi một người nói rửa tay gác bút, tôi vẫn nghĩ cái thế giới tinh thần của anh ta cũng đầy những dằn vặt. Mỗi khi nhìn chị kế toán, em văn thư của Hội Văn nghệ, tôi vẫn thường ganh tỵ bởi mình không bao giờ đạt được cái tâm thế thảnh thơi của họ. Lúc thì xử lý bao nhiêu ý nghĩ sôi sục trong đầu, lúc thì trống hoác đến nỗi phải đào bới tìm kiếm, tôi có được hưởng thụ hồi nào đâu, ta?

. Mỗi nhà văn đều có một mảnh đất văn hóa để trưởng thành, làm chất liệu giúp cho tác phẩm của mình thăng hoa. Với chị, mảnh đất Cà Mau quê hương có vị trí thế nào trong tâm hồn?

+ Chưa bao giờ tôi đi xa Cà Mau quá một tháng. Chưa bao giờ tôi nghĩ tới chuyện mình sẽ rời bỏ nó dù cảnh đẹp đường xa có cuốn hút đến mức nào. Nhưng tôi không thần thánh hóa quê mình đến mức nghĩ cái gì ở nơi đây cũng đẹp. Cà Mau với tôi chỉ là nơi ba mẹ già đang sống, nơi có mồ mả ông bà. Nhưng đó là tất cả, với một con người.

. Thành thực mà nói, Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện đã nhiều. Chị có ngại độc giả bội thực với cô Tư đất Mũi và tái cấu trúc văn Nguyễn Ngọc Tư?

+ Tôi sống vốn không có kế hoạch gì, tuy chưa đến nỗi tùy tiện nhưng cứ nghĩ tùy duyên. Văn chương cũng vậy, tạm thời tôi vẫn sống nhờ vào viết. Nhưng để sống được với nó, tức là để cho bạn đọc yêu mến nuôi nấng mình hoài thì tôi cũng phải làm lụng hết sức mình để viết ra những thứ tạm gọi là tử tế.

. Xin cảm ơn chị.

Mười ngón tay thêu thùa lên da anh/ Từng khóa chặt tiếng khóc chính mình/ Gói ủ giấc ngủ trẻ con/ Héo xanh trong nước/ Ướt tươm qua lửa/ Hai mươi tám đốt nhẵn mòn toan tính/ Vun không đầy nắm bụi, một mai.

(Trích Bài tập tả đôi tay - một trong 40 bài thơ trong tập thơ Chấm của Nguyễn Ngọc Tư - NXB Hội Nhà Văn)

PHẠM XUÂN TRƯỜNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm