Cũng theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong bảy ngày nghỉ Tết do có phương án chỉnh trang kết cấu hạ tầng, tổ chức phân luồng hợp lý và tăng cường lực lượng hướng dẫn giao thông, đồng thời do người dân cũng chủ động chọn thời điểm đi lại tránh tập trung những khoảng thời gian cao điểm, nên tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, kéo dài đã giảm đáng kể so với những năm trước.
So với năm 2017 số lượng người chết do tai nạn giao thông giảm. Ảnh minh họa
Tại TP Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM về cơ bản không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài mà chỉ xảy ra tình trạng ùn ứ tại một số tuyến phố qua khu vực bắn pháo hoa, đền, chùa do người dân đi lễ đầu năm do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông giảm so với các ngày thường. Tuy nhiên, tình trạng đi mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, uống rượu bia điều khiển phương tiện còn xảy ra khá phổ biến…
Riêng ngày 14-2 và 20-2 lượng xe trên một số tuyến như Pháp Vân - Cầu Giẽ, đường Vành đai III - Hà Nội, xa lộ Hà Nội-TP.HCM đã xảy ra ùn ứ cục bộ. Cá biệt tại một số trạm thu phí cũng xảy ra ùn tắc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo xử lý tình huống mở barie (không thu phí), tăng cường nhân viên bán, thu vé, chuẩn bị sẵn tiền lẻ để thanh toán nên việc ùn tắc chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và đã được kịp thời giải tỏa thông suốt.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong dịp Tết nguyên đán, đơn vị đã nhận 150 cuộc gọi phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Các cuộc gọi chủ yếu tập trung vào thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc.
Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tự ý tăng giá vé xe khách, nhồi nhét và chèn ép hành khách, tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người đi định, ùn tắc giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông...
"Các ý kiến thắc mắc trên của người dân đều được trả lời trực tiếp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, xác minh và xử lý theo đúng quy định của pháp luật như phạt tiền, tước phù hiệu xe, tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh, tước giấy phép lái xe...
Cảnh sát giao thông các địa phương sau khi nhận phản ánh từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã kịp thời bố trí lực lượng dừng xe, kiểm tra và xử lý nghiêm nhiều trường hợp nhà xe vi phạm chở quá số người, vi phạm các quy định về vận tải hành khách...", lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thông tin.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra giao thông và các bến xe tại địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các xe thu phụ thu giá vé cao so với quy định, hoạt động không có phù hiệu hoặc không có phiếu xuất bến; cán bộ trực đường dây nóng nhiều lần liên hệ trực tiếp với các nhà xe để yêu cầu lái xe và phụ xe hoàn trả tiền đã thu trái quy định cho hành khách ngay trên xe...
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng trong bảy ngày Tết năng lực và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp tết. Tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định. Tình trạng chậm, hủy chuyến bay được khắc phục, giảm nhiều so với năm 2017.
Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông còn diễn biến phức tạp, tăng cao trong các ngày 30, 1, 2 Tết nguyên đán. Nguyên nhân trực tiếp của tai nạn giao thông tăng cao là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông đường bộ. Đặc biệt là ở khu vực ngoài đô thị và nông thôn, chủ yếu là lái xe trong tình trạng vi phạm nồng độ cồn, sai phần đường, làn đường, quá tốc độ, chở quá số người quy định, chuyển hướng không báo hiệu…; người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường.
Ngoài ra còn tâm lý “nể nang” trong ngày Tết của lực lượng chức năng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn trong việc xử lý những hành vi vi phạm quy định pháp luật của người điều khiển phương tiện.
Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong các ngày sau Tết nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2018, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động tối đa lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát và lực lượng thanh tra giao thông đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm khắc, triệt để các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, không nể nang, không xuê xoa.
Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành…
Trên 37.300 trường hợp nhập viện vì tai nạn giao thông Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong bảy ngày nghỉ Tết, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 37.376 trường hợp (lượt khám), không tăng so với sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. Tuy nhiên, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp tăng 12,8% so với sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017, tăng cao trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết; xử lý và cho về trong ngày là 22.333 trường hợp, chuyển tuyến trên điều trị 2.962 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong sáu ngày Tết Đinh Dậu năm 2017. |