“Nguyên nhân của việc hàng trăm học viên ở trung tâm cai nghiện Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh khác phá trại cai nghiện gần đây trước tiên là do điều kiện cơ sở vật chất của trung tâm cai nghiện chưa đảm bảo. Tiếp theo là tình trạng quá tải của trung tâm.
Bên cạnh đó, hiện nay người nghiện ma túy đá, tổng hợp tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của các tỉnh phía Nam, có khoảng 80%-82% người trong các trại sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá. Đây là loại ma túy gây ảo giác, tổn thương về mặt tinh thần, lúc nào cũng bị hoang tưởng và dễ bị kích động. Nếu như trước đây, học viên chỉ phá phách, bỏ trốn ra ngoài thì giờ đây họ còn leo lên cây, cột điện, mái nhà, la hét, kích động…” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm thông tin với báo chí như trên bên lề buổi họp báo tại bộ này, ngày 9-11.
. Phương pháp cai nghiện mới là dựa vào cộng đồng, tuy nhiên việc tiếp nhận, phân loại, hỗ trợ người nghiện vẫn còn bất cập?
+ Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Đúng là việc tiếp nhận hỗ trợ cho người cai nghiện còn nhiều bất cập. Chúng ta xác định việc tiếp nhận cai nghiện ở cộng đồng, giao cho các tổ chức xã hội hỗ trợ họ trong thời gian lập hồ sơ nhưng thực tiễn không có cơ sở hay tổ chức xã hội nào đảm nhận được, tổ chức phụ nữ, công đoàn… đều không đủ cơ sở vật chất, nhân lực.
Chính vì vậy, Chính phủ giao cho chủ tịch UBND các tỉnh bố trí các trung tâm tiếp nhận họ, sau đó mới lập hồ sơ để xem học viên sẽ chọn cai nghiện bắt buộc hay cai nghiện tự do. Tuy nhiên, trong thời gian này do chưa được tư vấn cẩn thận nên nhiều học viên nghĩ rằng mình đã bị bắt vào cải tạo và cai nghiện bắt buộc thế nên mới bức xúc và có hành động chống đối.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho rằng việc phân loại người nghiện tốt sẽ xóa được tình trạng đập phá trại như vừa qua. Ảnh: VIẾT LONG
. Vậy làm sao để tình trạng trên không tái diễn?
+ Trước hết, cơ sở vật chất phải đảm bảo được không gian tối thiểu nơi ăn, ở, điều kiện vệ sinh, không khí thoáng mát cho học viên; rà soát, phân loại người nghiện ma túy khi tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện phải làm nghiêm túc, đúng theo pháp luật.
Trong đó, việc phân loại rất quan trọng, vì nếu người nghiện vẫn còn gia đình mà lại bị xếp vào đối tượng không có nơi cư trú ổn định, không đưa họ về địa phương để chấp hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định mà giữ họ ở lại trung tâm khi số lượng này quá lớn sẽ gây nên tình trạng quá tải và chuyện học viên trốn trại, đập phá thời gian gần đây là chuyện khó tránh khỏi.
Ngoài ra, các trung tâm cần phải nâng cao năng lực khi tiếp nhận người nghiện. Trong đó, phải tham vấn, tư vấn, làm việc với từng trường hợp, hiểu hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người nghiện để giúp họ vượt qua khó khăn.
Vì người sử dụng ma túy nhiều thành phần khác nhau, có người nhiều tiền án và tiền sự nhưng cũng có trường hợp đua đòi, theo chúng bạn sử dụng. Nếu bắt được những người này, chúng ta không phân loại mà cho ở chung như vậy sẽ mất cơ hội học hành và việc làm của các em.
. Hiện nay chúng ta xem người nghiện là bệnh nhân nhưng việc chăm sóc hiện đang có vấn đề?
+ Cán bộ trung tâm phải thân thiện, biết chia sẻ. Nhưng tôi thấy hầu hết các trung tâm cán bộ chỉ lo phục vụ, bộ phận bảo vệ lo làm sao cho học viên không ra được bên ngoài, bộ phận y tế thì đến giờ lo phát thuốc, người nấu ăn thì lo ba bữa ăn là xong.
Người nghiện không có người trao đổi, tư vấn một cách thường xuyên tích cực, điều đó cũng là nguyên nhân dẫn tới người bệnh không hợp tác. Cái này chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trung tâm phải thay đổi.
Trung tâm cai nghiện Đồng Nai với sức chứa chỉ 700-800 học viên nhưng lại đón hơn 1.500 học viên gây chật chội, bức xúc. Ảnh: Vũ Hội
. Việc cai nghiện tập trung không tối ưu, quan điểm của ông như thế nào?
+ Thực tiễn cho ta thấy người nghiện ma túy sau cai nghiện tập trung trở về cộng đồng hầu hết tái nghiện. Nên chúng ta phải đổi mới phương thức cai nghiện dựa vào cộng đồng. Theo thống kê, những người nghiện được cai ở cộng đồng và dùng methadone sau hai năm không tái nghiện, như vậy việc cai nghiện này ban đầu cho thấy hiệu quả hơn phương pháp cai nghiện trước đây…
. Xin cảm ơn ông.