Theo đó, ngày 26-9, Bộ GTVT cùng với nhà đầu tư đã thống nhất giảm mức phí cho tất cả phương tiện qua trạm Cai Lậy (ảnh).
Bên cạnh đó, giảm 100% mức phí cho các phương tiện loại 1 và loại 2 đối với người dân thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (không kinh doanh vận tải).
Đồng thời, giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện thường trú tại các xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy (có kinh doanh vận tải) và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
Mức giảm phí sau khi đã đàm phán với nhà đầu tư.
Thông cáo phát đi cũng khẳng định trước khi phê duyệt dự án đầu tư bằng hình thức BOT, năm 2009 Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh Cai Lậy. Tuy nhiên, do nguồn vốn nhà nước rất khó khăn nên đến năm 2013 (sau hơn bốn năm nghiên cứu) dự án vẫn chưa được triển khai.
Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu tuyến tránh Cai Lậy bằng hình thức BOT.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình 625 đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra hai phương án xây dựng tuyến quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT. Cụ thể, phương án 1: mở rộng quốc lộ 1; phương án 2: xây dựng tuyến tránh và cải tạo quốc lộ 1.
Trong đó, phương án 1 có nhược điểm phải giải tỏa nhiều hộ dân và có mức đầu tư lên đến 2.000 tỉ đồng. Phương án 2 tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 1.400 tỉ đồng, thời gian thu phí dự án sẽ ngắn hơn so với phương án 1 và người dân không bị giải tỏa.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Bộ GTVT đã có văn bản lấy ý kiến của UBND tỉnh Tiền Giang về phương án lựa chọn đầu tư dự án. Sau đó, tỉnh Tiền Giang đã có văn bản thống nhất lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường quốc lộ 1.
Liên quan đến vị trí trạm, thông cáo phát đi khẳng định văn bản Bộ GTVT nêu rõ: Để hoàn vốn cho dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu hai phương án đặt trạm thu phí cho dự án.
Thứ nhất, trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 (khoảng Km 1999+900, xã Phú An, huyện Cai Lậy). Với phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án (thời gian thu phí khoảng 10 năm); giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 do lưu lượng xe được phân bổ cho cả hai tuyến quốc lộ 1 và tuyến tránh, góp phần chỉnh trang đô thị thị trấn Cai Lậy.
Thứ hai, trạm thu phí đặt trên tuyến tránh Cai Lậy. Phương án này có ưu điểm là chỉ thu phí phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến tránh, không thu phí các phương tiện đi vào nội thị Cai Lậy.
Tuy nhiên, phương án này sẽ không hạn chế được phương tiện đi qua quốc lộ 1 hiện tại do tránh trạm thu phí, dẫn tới tình trạng tiếp tục gây ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy. Bên cạnh đó hiệu quả tài chính dự án rất thấp (thời gian thu phí trên 30 năm), không thu hút được nhà đầu tư và không thực hiện được việc nâng cấp mặt đường, sửa chữa hệ thống thoát nước trên quốc lộ 1 qua Cai Lậy.
"Sau đó, Bộ GTVT đã có văn bản xin ý kiến tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh và HĐND tỉnh này đồng ý vị trí trạm thu phí cho dự án tại Km 1999+900 thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy" - thông cáo của Công ty BOT Cai Lậy nêu rõ.
Được biết sau nhiều ngày dừng thu phí, dự kiến công ty sẽ tiến hành thu phí trở lại vào tháng 10.
Trước đó, nhân dịp kỷ niệm 63 năm giải phóng thủ đô, Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 Tiền Giang cũng mời một số cơ quan báo chí để gặp mặt và trao đổi một số thông tin liên quan đến việc miễn giảm phí trạm thu phí tại dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy tại nhà hàng Lake View (Hà Nội).
Dự án BOT Cai Lậy có tổng chiều dài 38,5 km, tổng mức đầu tư hơn 1.398 tỉ đồng. Dự án do liên danh Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái - Công ty CP Đầu tư, Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (nhà đầu tư) và Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. |