Nhà đầu tư phía Bắc đổ vào Nam mua đất

(PLO)- Từ giữa năm 2022, dòng tiền đầu tư vào bất động sản có xu hướng dịch chuyển từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tính thanh khoản tốt, đa dạng loại hình và sự linh động trong phát triển sản phẩm giúp bất động sản (BĐS) phía Nam thu hút nhà đầu tư trong thời điểm thị trường trầm lắng hiện nay.

Bỏ tiền vào nhà đất phía Nam dễ sinh lời hơn

Ông Tấn Thành, một nhà đầu tư BĐS ở Hà Nội, cho biết sau khi thị trường phía Bắc hết sốt đất, từ tháng 6 đến nay ông lại quay vào Nam tìm kiếm cơ hội tại các dự án ven biển Bình Thuận, nhà đất vùng ven TP.HCM.

Theo ông Thành, phía Nam có nền kinh tế sôi động, là điểm đến ưa thích của dòng vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhu cầu lớn đối với BĐS. Điều này dẫn đến hoạt động khai thác, cho thuê BĐS tại miền Nam dễ dàng hơn, đạt tỉ suất lợi nhuận tốt hơn. Chưa kể sản phẩm rất đa dạng, phù hợp với mọi gu khách hàng, mang tới khả năng chuyển đổi linh hoạt các loại hình đầu tư khi thị trường biến động.

Nhà đầu tư kỳ vọng tính thanh khoản tốt nên muốn xuống tiền vào bất động sản phía Nam. Trong ảnh: Một dự án đang hoàn thiện ở Bình Dương. Ảnh: Q.HUY
Nhà đầu tư kỳ vọng tính thanh khoản tốt nên muốn xuống tiền vào bất động sản phía Nam. Trong ảnh: Một dự án đang hoàn thiện ở Bình Dương. Ảnh: Q.HUY

Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc kinh doanh của sàn giao dịch BĐS ở khu vực miền Tây và Đông Nam bộ, cho biết giao dịch nửa cuối năm nay giảm mạnh. Dù vậy, các nhà đầu tư phía Bắc vẫn muốn đổ tiền vào phía Nam vì tin vào khả năng sinh lời tốt hơn miền Bắc.

“Nhà đầu tư miền Bắc tỏ ra ưa thích các dự án có quy mô lớn đến rất lớn, các dòng sản phẩm cao cấp đến siêu cao cấp do các thương hiệu mạnh, uy tín lâu năm phát triển” - ông Quốc chia sẻ.

Lý giải xu hướng trên, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư BĐS Việt An Hòa, cho biết thị trường BĐS miền Bắc và miền Nam có sự khác biệt.

“Phía Bắc, tâm lý nhà đầu tư chủ yếu mua để dành chứ ít lướt sóng kiếm lời. Vì thế khi thị trường tăng trưởng, BĐS sôi động thì thị trường miền Bắc sẽ tăng nóng hơn nhiều so với phía Nam. Những cơn sốt đất tại các tỉnh miền Bắc kéo dài từ tháng 1 đến tận tháng 6-2022” - ông Quang phân tích.

Tuy nhiên, thị trường phía Nam lại có tính thanh khoản tốt, sôi động hơn với đa dạng xu hướng đầu tư. Như trong bối cảnh trầm lắng hiện nay, các chủ đầu tư vẫn linh động tìm ra giải pháp để vực dậy, đưa ra nhiều sản phẩm hình thái mới. Đó chính là sức hút của BĐS miền Nam.

Cuối năm giao dịch vẫn khó

Ông Quang cho biết Nghị định 65/2022 mới quy định việc phát hành trái phiếu rõ ràng, chặt chẽ hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp BĐS không thể huy động trái phiếu một cách ào ạt như trước. Đối với các doanh nghiệp BĐS có lượng lớn trái phiếu tới hạn phải phát hành một lô mới sẽ càng khó khăn. Với độ mở room tín dụng thấp, hiện nay chỉ tập trung chủ yếu cho sản xuất, kinh doanh nên nguồn tín dụng cho BĐS cũng hạn chế.

“Vì vậy, tình hình BĐS từ nay đến cuối năm sẽ chưa có chiều hướng tốt lên, chỉ ở mức đều đều. Đặc biệt, những BĐS ở xa khu dân cư, thanh khoản thấp buộc phải giảm giá mạnh” - ông Quang nhận định.

TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng các doanh nghiệp BĐS lúc này cần có giải pháp vốn bền vững. Thứ nhất, doanh nghiệp giảm nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng bằng cách cho vay theo tỉ lệ giảm dần với các phân khúc không được ưu tiên. Tiếp đó, tăng vốn cổ phần để tăng nguồn lực, nếu tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu, áp lực trả nợ sẽ tăng lên.

Ngoài ra, các doanh nghiệp địa ốc cần các định chế tài chính hợp tác phát triển dự án; quỹ tín thác BĐS hoặc tương tự; hợp tác quỹ - công ty theo từng dự án. Nhà đầu tư cá nhân mua chứng chỉ quỹ sẽ an toàn hơn mua trái phiếu doanh nghiệp hoặc ký hợp đồng hợp tác với công ty.

Lượt quan tâm chung cư TP.HCM tăng mạnh

Theo kênh thông tin batdongsan.com.vn, trong tám tháng đầu năm, nhu cầu tìm kiếm căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, lượt tìm mua chung cư tại Hà Nội và TP.HCM tăng lần lượt 9% và 4%. Lượt tìm thuê chung cư còn tăng mạnh hơn, lần lượt là 25% và 48%.

Thu hút lượng quan tâm lớn, loại hình chung cư có mặt bằng giá rao bán gia tăng. Đáng chú ý, các phân khúc căn hộ tại Hà Nội có giá rao bán tăng từ 15% đến 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá rao bán chung cư bình dân, trung cấp và cao cấp ở TP.HCM tăng lần lượt là 3%, 5,5% và 8%.

Cũng trong tám tháng qua, thị trường BĐS miền Nam, đặc biệt là tại TP.HCM chứng kiến lượng quan tâm đang tăng mạnh hơn so với nhiều tỉnh phía Bắc. Trong khi lượt tìm kiếm nhà đất toàn thị trường Hà Nội chỉ tăng 4% trong tám tháng đầu năm nay, so với cùng kỳ năm 2021 thì TP.HCM đạt mức tăng 17% và tăng ở hầu hết các loại hình. Cụ thể tại TP.HCM, mức độ quan tâm đến chung cư tăng 17%, nhà riêng tăng 9% và đất tăng 8% trong khi Hà Nội lại giảm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm