Kế hoạch vốn đã được hoãn lại này sẽ đưa Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, vào “danh sách đen” của Bộ Tài chính Mỹ.
Một trong những người ủng hộ và có liên quan cho biết kế hoạch này có thể sẽ được triển khai trở lại trong những tháng tới, tùy vào tình hình hiện tại của Huawei và Trung Quốc, hãng tin Reuters cho biết.
Được Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng xem xét, kế hoạch này cũng được các quan chức Mỹ xem như một bước đi quan trọng trong các công cụ, chính sách của họ đối với Huawei.
Hành động này có thể khiến công ty sản xuất điện thoại của Trung Quốc gần như không thể thực hiện các giao dịch mua bán bằng đồng USD và buộc một số nhà cung cấp phải có giấy phép đặc biệt mới có thể trao đổi, mua bán các sản phẩm của Huawei.
Hiện tại bên phía Huawei vẫn chưa đưa ra bất kỳ phản hồi bình luận nào. Nếu kế hoạch này được thực hiện, Huawei sẽ là một trong những công ty lớn nhất bị đưa vào danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ, hiện đã bao gồm Rusal - nhà sản xuất nhôm lớn thứ hai thế giới của Nga.
Logo của Công ty Huawei được in tại sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 22-7-2019. Ảnh: REUTERS
Bà Annie Fixler, chuyên gia về mạng của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ Mỹ, cho biết hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở châu Âu và các nước châu Á bên ngoài Trung Quốc.
Chính phủ Mỹ đã đưa ra các cáo buộc hình sự đối với Huawei về việc đánh cắp bí mật thương mại, gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và tìm cách thuyết phục các đồng minh cấm sử dụng mạng 5G vì lo ngại gián điệp.
Mặt khác, việc đưa Huawei vào "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ sẽ có thể gây ra những khó khăn cho ngoại giao và kinh tế của chính phủ nước này.
Các chuyên gia cho biết với tập đoàn có quy mô lớn như Huawei, cộng thêm hàng chục công ty con, sẽ khiến cho nỗ lực thực thi và khắc phục khó khăn sau này của Mỹ trở nên phức tạp hơn.
“Một tổ chức càng lớn sẽ càng khó để chính quyền Mỹ có thể dự đoán trước và chuẩn bị cho các tác động hay hậu quả sau này cả trong và ngoài nước” - ông Matthew Tuchband, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.
Ông nói thêm rằng cần phải xem xét cẩn thận trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào đối với công ty có quy mô như Huawei.
Tuy nhiên, một số quan chức chính phủ Mỹ vẫn xem việc xử phạt Huawei là một việc làm đáng xem xét.
Ông Michael Gallagher, nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ, cho biết: “Việc Huawei nỗ lực không ngừng để thống trị mạng 5G trên toàn thế giới là một trong những mối đe dọa an ninh quốc gia cấp bách nhất mà các quốc gia phải đối mặt”.
“Cần phải xem xét tất cả phương án có thể để ngăn chặn việc này” - ông Gallagher nói thêm.