Những loại đặc sản quê đang được kiểm soát theo hướng an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. |
Hồ Văn Biên có bốn năm trải nghiệm trong ngành du lịch, đang điều hành trạm dừng Casuco (sát chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ) nói rằng, trước đây các dịch vụ phục vụ du khách thường đóng cửa lúc giáp tết. Năm nay có thể khác, nhiều nhà vườn ở Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng sẽ mở cửa đón khách trong dịp tết.
Ở Phong Điền, TP Cần Thơ, một số nhà vườn sẵn sàng mở cửa trong dịp tết Giáp Ngọ. Họ đang ráo riết chuẩn bị món ngon, tìm cách giới thiệu đặc sản từng khu vườn. Riêng các nhà vườn ở huyện Kế Sách, đang mùa nhãn, ổi, mít… sẵn sàng “bao bụng”, giá vẫn như ngày thường.
Tìm giá trị khác
Đêm hội món ngon từ làng quê tại nhà lồng chợ cổ bến Ninh Kiều trong đêm 22.1.2014 sẽ là nhịp cầu đầu tiên theo tinh thần chia sẻ cơ hội từ thành thị tới nông thôn, và nó có tác dụng chỉnh lại đội hình các điểm đến của du khách thay vì cứ để mạnh ai nấy làm.
Định dạng lại cuộc mưu sinh và tìm ra câu trả lời khác chứ không phải hễ là nông dân thì suốt đời chân lấm tay bùn, hễ là nông nghiệp thì cuộc đời chỉ gắn lúa khoai, chứ không còn giá trị nào khác.
“Hành động theo cách làm đơn giản nhất, chân quê nhất và thiết thực nhất, trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), câu lạc bộ Hỗ trợ nông gia – đơn vị hỗ trợ cộng đồng khu vực nông nghiệp của hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao/Sài Gòn Tiếp Thị – văn phòng Cần Thơ và công ty CP thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ (CTC), câu lạc bộ Tiểu thương chợ Cần Thơ phối hợp tổ chức đêm hội này”, ông La Minh Hồng, tổng giám đốc công ty CP thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ, cho biết. Ba mục tiêu chính của đêm hội: tạo sinh khí ở chợ cổ – điểm hội tụ và giao thiệp thu hút du khách trong và ngoài nước nhân dịp xuân về, tết đến; tôn vinh tinh tuý gia truyền – bảo tồn văn hoá ấm thực mang sắc thái Nam bộ; tạo cơ hội cho các điểm đón du khách chủ động tự giới thiệu bên cạnh sự trợ giúp của một số doanh nghiệp nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển dịch vụ từ thành thị đến nông thôn. Câu lạc bộ Tiểu thương chợ Cần Thơ đã góp quà làm giải thưởng cho các cuộc thi chuẩn bị cho đêm hội.
Các sinh viên khoa kinh tế quản trị kinh doanh, trường đại học Cần Thơ, đã tham gia cuộc thi kể chuyện món ngon từ làng quê. Từ góc nhìn của người dân quê, lớp trẻ tự nói về làng quê của mình.
Kết nối những điều thú vị
Ông Nguyễn Thanh Tùng, điều hành dự án Du lịch nông nghiệp An Giang, khá thành công ở An Giang, nói: “Chúng tôi sẵn sàng kết tour nếu các điểm đến ở Phong Điền mở cửa cho du khách vui chơi, khám phá văn hoá làng quê, thưởng thức món ngon miệt vườn… rồi đi tiếp tới An Giang, hiểu sắc thái văn hoá, món ngon của người Chăm, Khmer. Có thể đi tới vùng ngập nước Trà Sư hoặc núi cao và những điểm đến tâm linh, trú ngụ trong những homestay đã được huấn luyện từ nhiều năm nay… chắc chắn có nhiều điều thú vị”.
Năm nay, theo ông Tùng, tổ chức Nông dân Hà Lan quyết định tiếp tục hỗ trợ dự án này để phát triển dịch vụ homestay ở nhiều xã và hoàn thiện chuỗi giá trị khi các mối liên kết được thắt chặt.
Anh Nguyễn Hoàng Nhu, trạm khuyến nông Kế Sách được phó chủ tịch UBND huyện, Lý Hốc Khị, giao nhiệm vụ kết nối các điểm đến và tuyển chọn những đặc sản của Kế Sách mang lên Cần Thơ tham gia đêm hội. Theo ông Khị, Kế Sách từng làm sự kiện thu hút du khách và đang muốn thoát ra kiểu làm cũ, tạo liên kết mới, xây dựng hình ảnh từ sản vật phong phú, tự nhiên và cốt cách cởi mở của dân Kế Sách gắn với mùa vụ, tập quán của cư dân sinh sống ở các đảo nhỏ trên sông Hậu.
Mới nghe đã... thèm
“Món ngon của Kế Sách, từng đoạt giải thưởng tại các hội thi tại Suối Tiên sẽ xuất hiện trong đêm hội 22.1 tại Cần Thơ kèm theo lời mời hãy tới Kế Sách cùng ăn tết với nhà vườn”, ông Nhu nói.
Bà Trương Kim Khuyên, phó chủ tịch UBND huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết nhiều lớp huấn luyện nhà vườn làm du lịch được thực hiện trong hai năm qua. Huyện sẽ chọn những điểm có bước chuẩn bị khá tốt để ăn tết cùng du khách.
Chị Lệ Hằng, người lo che phủ thị phần nước mắm Quốc Hải (Phú Quốc) tại miền Tây, nói: “Ban tổ chức chỉ đủ chỗ cho chúng tôi chào mời ba món nên sẽ làm món cá cơm than, bánh tét mật cật, mắm ruốc tinh tuý gia truyền ở Phú Quốc”.
Dì Tư (Châu Kim Thuận) nổi tiếng với món bánh hỏi mặt võng ở ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền đến đêm hội, mang theo câu chuyện từ lúc 20 tuổi của làng Nhơn Ái và cách làm món ngon từ gia đình ông Út Dzách (chồng dì Tư). Miệt vườn thời xưa có cái hay là chuyện của chòm xóm như chuyện nhà mình, già trẻ gái trai chia nhau việc để tiếp sức. Chòm xóm học lẫn nhau, những thế hệ cùng chia sẻ từ những đám tiệc nên Nhơn Ái có nhiều người giỏi giang hơn. Anh Trần Thiện Cảnh, con dì Tư sẽ cùng mẹ tới đêm hội, cho biết: “Bánh hỏi mặt võng ăn với kim tiền, thịt quay, rau sống nước chấm… Sự tinh tế trong thế giới gia vị có dịp công diễn”.
“Nghề gì người ta giấu thì dễ làm chứ để trước mặt rất khó làm cho khác biệt”, dì Tư nói. Bà Thái Nguyệt, chủ khách sạn Kim Thơ, người luôn có ý tưởng làm món ăn dân gian ngay trong khách sạn hạng sang khen: “Món ngon ở điểm đến của Út Dzách cảm nhận được ngay, nhưng cái tình và kiểu tiếp khách thân thiện ở đây, thật khó quên”.
Bánh hỏi của dì Tư khó nhất là khâu rê mặt võng. Đặc biệt nước mắm chua vị chanh tươi, ớt hiểm hết sức đặc biệt nên tới Cần Thơ trong dịp tết này, tới điểm đến Út Dzách là cách “đi tắt, đón đầu” tới món ngon nổi tiếng xứ Phong Điền.
Theo Hoàng Lan (SGTT.VN)