Hình ảnh chiếc xe ngựa mộc mạc, gần gũi mấy mươi năm rồi vẫn nhớ như in dù không ít người đã vào cái tuổi nhớ nhớ quên quên.
Tiếng vó ngựa: đồng hồ báo thức
Những ông chủ xe ngựa, những chú ngựa cần mẫn một thời ngược xuôi, tiếng vó ngựa vỗn vã trên đường cái quan nay chỉ còn trong ký ức, trong câu chuyện bà kể con nghe hay ở những trang sách ngã màu…
Nhớ một thời tuổi thơ ngồi trên xe ngựa. Ảnh tư liệu
Âm thanh lộc cà lộc cộc, hình ảnh những chiếc xe ngựa mà đứa trẻ lên bảy lên tám nhà quê lên thị như tôi còn nhớ, có thể không trọn vẹn lắm nhưng cũng đủ để những đứa trẻ thị thành hình dung nó thú vị, lạ lẫm thế nào.
Thời ấy, với nhiều gia đình, xe máy là thứ gì đó xa lạ lắm, tải hàng bằng xe đạp thì vất vả nên xe ngựa vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của tiểu thương.
Cứ gà gáy đầu, xe ngựa tập trung về bến chờ lấy hàng, đón khách đi về các nơi. Xe nào có mối nấy, đi riết rồi quen không kì kèo giá cả. Chuyến xe đầu ngày từ Phú Lâm về chợ thị xã muộn lắm cũng 4 giờ sáng, bốc dở hàng xong là đến hàng cá ở chợ hoặc cảng cách đó không xa để chở cá về kịp cho thương lái phân phối đi các xã miền núi.
Những chiếc xe ngựa dập dìu, nối đuôi nhau trên đường, dù nắng gắt hay mưa dầm, những chú ngựa vẫn cần mẫn đi về ngày mấy lượt.
Nhà ngoại nằm sâu trong xóm chài, cách đường chính dẫn về trung tâm thị xã đến mấy con ngõ ngoằn nghèo. Vậy mà tiếng vó ngựa lộc cộc cứ như rót vào tai mỗi sớm mai, trở thành chiếc đồng hồ báo thức với mình lúc nào không hay.
Kết thúc kỳ nghỉ hè ngắn ngủi ở thị xã là về với công việc thường ngày, với đàn heo đàn gà, nghĩa là không còn được nghe tiếng vó ngựa. Vậy thôi mà nhớ đến quay quắt.
Xứ khỉ ho cò gáy của tôi có xe ngựa nhưng không nhiều, chủ yếu ở ven quốc lộ. Vì thế, nếu đồng hồ báo thức không phải tiếng gà gáy thì chính là âm thanh lục đục của má dậy sớm làm bếp cho kịp ra đồng sớm chứ không phải tiếng vó ngựa như trong thị xã.
Dịp hè hoặc Tết đến, xe ngựa được người ta chọn đi lại đông hơn ngày thường, muốn đi phải đặt chỗ trước mới có.
Riêng đám trẻ chúng tôi, ngày Tết muốn đến các điểm chơi lô tô, bài chòi hay xem bơi sõng… thường hùn tiền thuê chuyến nhưng cũng trầy trật lắm mới được. Tính cả đi lẫn về mỗi đứa chỉ mất số tiền cho vài viên kẹo ú.
Tìm về miền ký ức
Lên cấp hai, đi học xa nhà thi thoảng bắt gặp hình ảnh chiếc xe ngựa trên con đường đất liên thôn, chưa kịp nhìn kỹ, chưa nghe đã tai âm thanh lộc cộc đã mất hút trong bụi đường, lại tiếc nuối.
Một thời học trò ngồi trên xe ngựa. Ảnh tư liệu
Cách trường học không xa có xe ngựa của ông Bảy. Mấy lần có ý định xin quá giang nhưng đám bạn bảo ông chủ khó tánh, nắng mưa thất thường dù người ta đi xe trả tiền đàng hoàng.
Sau mới biết, chẳng phải tánh khí thất thường như người ta nghĩ, chỉ vì chị nào đó bán cá ế ẩm nên sanh quạu, không gọi ông Bảy xe ngựa như trước mà cố ý quên chữ “xe” ở giữa, bị ông quát một trận.
Riêng đám học trò, trong đó có tôi suốt mấy năm học cũng không dưới chục lần được ông cho đi ké, chưa bao giờ thấy ông cáu gắt, giận dữ.
Nhắc về xe ngựa một thời, ông bạn học kể, mỗi sớm nghe tiếng vó ngựa của nhà ông Bảy, không cần nhìn đồng hồ vẫn biết chính xác bốn giờ sáng, đó là thời điểm ông Bảy đánh xe ngựa ra đầu ngõ đưa khách về thị trấn.
Ngoài chở người, xe ngựa còn dùng chở hàng ra chợ sớm. Ảnh tư liệu
Khách hàng thân thiết của ông Bảy không ai khác ngoài các bà, các chị bán rau, bán chuối đã chờ sẵn trên quốc lộ.
Ngoài hai lượt đưa khách đi, về, ông Bảy còn đánh xe bắt khách vãng lai để kiếm thêm thu nhập.
Lúc bấy giờ, ông Bảy đã ngoài 70, cái tuổi nay yếu mai đau nhưng vì duyên nghiệp vận vào đời, bao lần muốn dứt bỏ cũng không được. Dẫu có bệnh đau mấy ông Bảy cũng phải đánh xe đi.
Vài năm sau, ông Bảy ngã bịnh rồi qua đời. Hai con trai ông lớn lên ở thời phương tiện vận tải hiện đại nên chiếc xe ngựa cũng nằm đó mục nát theo năm tháng.
Nhớ lời ông Bảy nói: “Ông xem nó là thành viên trong gia đình, lần nó đau bịnh mình cũng đau bịnh theo”.
Người trong xóm còn cho hay, chủ mất, ngựa buồn mà sinh bịnh rồi chết theo chủ. Vợ con ông Bảy lập mộ nó cạnh mộ ông theo di nguyện để tưởng nhớ một thành viên đóng góp nhiều công sức nuôi sống cả gia đình.
Xe ngựa tại thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh TRI TRẦN chụp năm 2011.
Đám trẻ chúng tôi ngày đó lớn lên, đứa đi học, đứa ở lại với ruộng rẫy tất bật mưu sinh.
Hình ảnh chiếc xe ngựa ngày ấy đã lẫn khuất đâu đó, rồi khi ai gợi nhớ, như được mở đường tìm về ký ức.
Thị xã lên thành phố từ lâu, làng nay cũng nửa quê nửa phố. Phương tiện đi lại hiện đại nhưng hễ cứ nhắc đến xe ngựa là bụng dạ cồn cào nao nao… nhớ.