Mới đây, Bệnh viện (BV) Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân PNL (54 tuổi, quê Thái Bình) trong tình trạng dị ứng nặng với thuốc nhuộm tóc.
Bệnh nhân cho hay sau khi nhuộm tóc khoảng chừng 3 tiếng đồng hồ thì cảm thấy nóng, rát, nhiều vùng da sưng lên nên đến bệnh viện để điều trị.
BS Đặng Thu Hương, Phó Trưởng khoa lâm sàng 2 của BV cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng rát, ngứa ngáy rất dữ dội, mắt nhìn mờ và thấy nặng mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị phù nề toàn bộ mặt, sang thương lan ra vùng cổ, ngực và nhiều nơi trên cơ thể. Nhiều chỗ phỏng rộp, rỉ nước, hóa mủ.
Bệnh nhân được điều trị triệu chứng, thuốc kháng viêm, kháng dị ứng và cấy mủ, làm kháng sinh đồ tìm vi khuẩn để điều trị thích hợp. Sau hai ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân đã thuyên giảm.
Toàn bộ vùng da đầu sưng, phù nề và lan ra các vùng khác trên người ông Lâm sau khi dùng thuốc nhuộm tóc. Ảnh: MT
BS Hương khuyến cáo nhiều bệnh nhân có cơ địa dị ứng với thành phần có trong thuốc nhuộm tóc chứ không hẳn do thuốc kém chất lượng. Trước khi nhuộm tóc, để biết cơ địa có bị dị ứng với thành phần thuốc hay không, nên thử bôi thuốc lên vùng mặt sau cánh tay và sau tai, đây là hai vùng dễ nhạy cảm. Sau 48 tiếng, không thấy da ngứa, bỏng, rát, không nổi đỏ, phù nề thì mới dùng trực tiếp.
Những người có cơ địa dị ứng như nổi mề đay, viêm da cơ địa, hen, chàm, eczema, dị ứng thức ăn, thuốc... hoặc đã dị ứng thuốc nhuộm tóc một lần cần hết sức thận trọng.
Bệnh nhân mắc bệnh ở da đầu, phụ nữ mang thai và cho con bú không nên nhuộm tóc. Thuốc nhuộm tóc sẽ thấm qua vùng da bị bệnh gây nhiều biến chứng. Không nên thay đổi loại thuốc nhuộm thường xuyên. Khoảng cách giữa các lần nhuộm tối thiểu là 2-3 tháng. Cần lựa chọn thuốc có chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thử thuốc trước khi sử dụng.
Khi phát hiện bất thường như ngứa rát, mẩn đỏ, phồng rộp, chảy dịch... cần gội đầu sạch và đi khám chuyên khoa da liễu, dị ứng để được điều trị kịp thời. Tuyệt đối không tự ý bôi thuốc hay sử dụng mỹ phẩm khác.