Nhật Bản dùng bơ, hạt thanh long làm mỹ phẩm trong khi Việt Nam... bỏ đi

(PLO)- Mỹ phẩm Việt Nam được xem là ngành tỉ USD nhưng doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 5%-7% còn lại là nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 14-1, Hiệp hội Tinh dầu Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam (VOCA) tổ chức tổng kết năm 2023, kế hoạch 2024 và tọa đàm Hợp tác đoàn kết bền vững.

Chất lượng nguồn nguyên liệu Việt Nam không ổn định

Ông Trần La Bình, Chủ nhiệm Hợp tác xã G9 đặt vấn đề: Hiện tại Việt Nam có tất cả các loại tinh dầu nhưng vì sao hàng năm vẫn phải nhập khẩu. Chưa kể, hiện nay một vấn đề rất nghiêm trọng là mỹ phẩm, dược liệu trên online, offline, hàng xách tay không chuẩn tràn làn ngoài thị trường thì hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cần có phương án hoặc có bộ phận pháp chế, bộ phận kiểm tra, kiểm soát.

Hơn nữa, ở một số quốc gia như Nhật Bản đã sử dụng bơ, hạt thanh long làm mỹ phẩm hạt thanh long trong khi Việt Nam bỏ đi, vẫn chưa tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có. Vì vậy, quy trình sản xuất khép kín là điều rất quan trọng.

“Riêng tinh dầu sả thì các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang … đều có nhưng thiếu các hoạt động kết nối. Hiệp hội cần phát huy những sáng kiến, kỹ thuật, tăng cường xúc tiến thương mại để ngày lớn mạnh hơn”-ông Bình góp ý.

Giải thích một số vướng mắc trên, TS Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch VOCA cho biết, Việt Nam phải nhập khẩu vì chất lượng nguồn nguyên liệu Việt Nam không ổn định, không đồng đều.

Đối với quản lý kiểm tra nguồn gốc chất lượng hàng hóa trên thị trường thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.

“DN mỹ phẩm và dược liệu tinh dầu Việt Nam rất mạnh nhưng vẫn chưa có sự hợp tác chặt chẽ. Thời gian tới mong các DN cùng đóng góp, đoàn kết để ngành phát triển mạnh, bền vững”-ông Minh nói.

my-pham.jpg
Người tiêu dùng mua sắm cửa hàng mỹ phẩm nằm trong siêu thị. ẢNH: TÚ UYÊN

Nơi mang tên ông tổ ngành y cổ truyền Việt Nam lại bán toàn nguyên liệu nhập khẩu

Theo ông Đỗ Duy Phi, Chủ tịch VOCA, sản phẩm của ngành do nhiều bộ quản lý, bên cạnh đó mỗi tỉnh có chủ trương riêng nên khó khăn trong hoạch định chính sách.

Sắp tới hiệp hội sẽ có kiến nghị với các bộ ngành thống nhất để có định hướng phát triển, quản lý hiệu quả.

TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM nhìn nhận, Việt Nam rất mạnh về nguyên liệu dược mỹ phẩm nhưng không có khu vực nào chuyên cung cấp nguyên liệu của chính Việt Nam.

Ngay như khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)- chuyên về dược liệu Đông Y chủ yếu là bán hàng nhập từ nước ngoài.

"Đây là điều hơi mâu thuẫn, Hải Thượng Lãn Ông là ông tổ ngành y học cổ truyền Việt Nam nhưng nơi mang tên ông lại bán toàn nguyên liệu nhập, không thể hiện được hình ảnh của Việt Nam. Nên chăng cần có quy hoạch lại. TP.HCM đã ban hành quyết định 4546 về phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng để cụ thể hóa thành phố lắng nghe góp ý của chuyên gia, hiệp hội. Vì vậy, vai trò các hiệp hội rất quan trọng trong tác động tới cơ chế chính sách-TS Thắng nói.

Theo TS Thắng, mỹ phẩm Việt Nam được xem là ngành tỉ USD nhưng DN Việt chỉ chiếm 5%-7% còn lại là nước ngoài trong khi thực lực vùng nguyên liệu Việt Nam mạnh hơn, giá trị rất tốt.

Đáng chú ý, mới đây Việt Nam đã ký Nghị định thư để xuất khẩu yến chính ngạch sang Trung Quốc là thành công lớn. Hay trước đây, VOCA đã gặp gỡ một chuyên gia người Đức thành lập trung tâm thí nghiệm để xác định chất lượng trầm Việt Nam vì trầm Việt Nam số 1 thế giới.

Đến nay chưa biết trung tâm này thế nào, chưa kể các vùng trồng dược liệu khác.

“Chúng ta cần nắm bắt lại để đồng bộ trong tư duy định hướng. Mong thời gian tới Việt Nam sẽ có các vùng nguyên liệu theo thế mạnh của từng địa phương, có chợ nguyên liệu hữu cơ đáng tin cậy của chính Việt Nam. Tuy nhiên, cần có người tiên phong và có phần thưởng cho DN dấn thân làm hữu cơ”-TS Thắng nhấn mạnh.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện có 14 DN mỹ phẩm lớn của Việt Nam trụ ở phân khúc giá rẻ và xuất khẩu sang một số thị trường lân cận.

Khoảng 85% DN mỹ phẩm Việt Nam là đại lý phân phối cho DN nước ngoài. Mỹ phẩm ngoại chiếm lĩnh ở các trung tâm thương mại ở các thành phố lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm