PLO từng có bài phản ánh: “Nhiều lợi ích khi sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong xây dựng” và“Đã có khung pháp lý để phát triển vật liệu xây dựng không nung” chỉ ra những lợi ích và tính ưu việt của loại vật liệu này và trích dẫn các quy định cho thấy có đủ các căn cứ pháp lý để thực hiện.
Có quy định về tỷ lệ sử dụng nhưng nơi làm nơi không
Tuy nhiên, qua khảo sát một số công trình xây dựng tại địa bàn TP. HCM và các tỉnh lân cận, việc tuân thủ các qui định về tỷ lệ phần trăm sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) chưa theo quy định hiện hành.
Công trình The River Thủ Thiêm sử dụng 100% VLXKN thân thiện với môi trường. |
Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 1 Quyết định số 2171/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030) thì đến năm 2025 đẩy mạnh sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40%, đạt tỷ lệ 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây, đảm bảo tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình theo quy định.
Tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình đã được Bộ Xây dựng quy định rõ tại Thông tư 13/2017/TT-BXD như sau:
Các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn nhà nước lớn hơn 30% phải sử dụng vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây với tỷ lệ sau:
TP Hà Nội và TP.HCM: sử dụng 100%; Các tỉnh đồng bằng Trung du Bắc bộ, các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tại các khu đô thị từ loại III trở lên sử dụng tối thiểu 90%, tại các khu vực còn lại sử dụng tối thiểu 70%; Các tỉnh còn lại. Tại các đô thị từ loại III trở lên phải sử dụng tối thiểu 70%, tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50%.
Đối với các công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên phải sử dụng tối thiểu 80% vật liệu xây không nung trong tổng số vật liệu xây. Nhà nước khuyến khích sử dụng vật liệu xây không nung vào các công trình xây dựng không phân biệt nguồn vốn, số tầng.
Hành lang pháp lý đã quy định rõ tỷ lệ phần trăm sử dụng loại vật liệu này, nhưng trên thực tế có thể thấy một số chủ đầu tư, nhà thầu vẫn chưa đảm bảo tỷ lệ sử dụng theo quy định.
Qua khảo sát thực tế đối với một số công trình có vốn ngân sách nhà nước như: Các công trình xây dựng bệnh viện tại quận 10, quận Bình thạnh; cụm bệnh viện ở huyện Bình Chánh, các trường THCS, THPT tại quận 12, Hóc Môn, …. nhận thấy việc thực hiện tỷ lệ sử dụng VLXKN ở các công trình này được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Đối với các dự án công trình thương mại trên 9 tầng tại TP.HCM và các tỉnh lân cận có một số công trình tuân thủ tốt như: Chung cư The Metropole, Thủ Thiêm, quận 2; Chung cư The River Thủ Thiêm, quận 2; Chung cư Masterise Home Grand Park, TP Thủ Đức. Tuy nhiên nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm về tỷ lệ sử dụng VLXKN như: Chung cư W. Bình Chánh, Chung cư V. quận 2; Khu đô thị C. tại quận Tân Phú; Chung cư P. quận 12; Chung cư C. quận 7; Chung cư S. Nhà Bè;…
Cần sự chung tay của các bên
Thực tế hiện nay số lượng các công trình tuân thủ về sử dụng VLXKN vẫn còn thấp. Vậy mục tiêu đạt tỷ lệ sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung 35-40% vào năm 2025 liệu có khả thi?
Một công trình tại TP.HCM có dấu hiệu vi phạm về việc sử dụng VLXKN (ảnh chụp tháng 10/2021) |
Về vấn đề này ông Trịnh Nhiên, Giám đốc Công ty Vật Liệu Xanh Đại Dũng cho rằng, mục tiêu đề ra là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này việc thực hiện còn nhiều khó khăn.
Thời gian tới trên địa bàn TPHCM và các tỉnh sẽ có nhiều công trình thương mại lớn đang và sẽ triển khai, nên cần sự chung tay của các bên, đặc biệt là các cơ quan quản lý, các chủ đầu tư để đạt được cam kết trung hòa phát thải khí carbon vào năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP26.
Nếu quy định về tỉ lệ sử dụng VLXKN được thực hiện nghiêm túc thì việc tiêu thụ từ 7 đến 8 tỷ viên gạch không nung QTC/năm trong thời gian tới là khả thi và mục tiêu tỷ lệ sử dụng VLXKN 35-40% vào năm 2025 của Chính phủ là đạt được.