Nhiều đại án tham nhũng được giám sát

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, do TAND Tối cao tổ chức, diễn ra sáng 9-1.

Theo TAND Tối cao, năm 2017 nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết trên cơ sở quy định của pháp luật và được giải quyết kịp thời, nghiêm minh.

Nhiều vụ án được tuyên với mức án cao. Ảnh vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm bị xét xử về tội tham ô tài sản.

Cụ thể, vụ án Phạm Công Danh phạm tội “Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank; vụ án Trịnh Văn Thắng phạm tội “Đưa hối lộ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tổng công ty xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án Giang Kim Đạt phạm tội “Tham ô tài sản”; vụ án Hà Văn Thắm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank)...

Đặc biệt, việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng, các tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, HĐXX đưa ra các phán quyết đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ, củng cố niềm tin vào công lý. Điển hình là vụ án Trương Hồ Phương Nga và đồng phạm bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay vụ án “buôn lậu” và “Làm giả con dấu” xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.

Các tòa án cũng chú trọng thực hiện hết các thẩm quyền tố tụng theo quy định của pháp luật để đảm bảo giải quyết tốt vụ án, như bắt tạm giam bị cáo hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn khi thấy cần thiết; khởi tố hoặc yêu cầu khởi tố khi có dấu hiệu lọt người, lọt tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ...

Đặc biệt, việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. 

Nhiều vụ án oan chưa được bồi thường

Theo TAND Tối cao, trong năm các tòa án đã thụ lý 10 yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm của tòa án; đã giải quyết dứt điểm 2 vụ, là trường hợp của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận và ông Trần Sam Sái ở Sóc Trăng, với số tiền bồi thường là trên 10 tỷ đồng.   

Các tòa án cũng đã thụ lý 23 vụ án dân sự mà người bị oan sai khởi kiện các cơ quan nhà nước yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đã giải quyết được 14 vụ, còn lại 9 vụ đang trong quá trình xem xét, giải quyết. Kết quả xét xử, tòa án đã buộc các cơ quan có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền trên 3,6 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm