Theo Bộ GTVT, thời gian qua đơn vị tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương thực hiện công tác quyết toán các dự án giao thông đã hoàn thành.
Tuy nhiên, hiện có khoảng 25 dự án thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP) được triển khai xây dựng trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15-5-2015 vẫn chưa được quyết toán.
Đề xuất gỡ vướng và không hồi tố
Bộ GTVT cho biết quy định của pháp luật cho phép áp dụng hệ số phụ cấp không ổn định trong đơn giá nhân công xây dựng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước nhưng không có quy định về việc quản lý dự án đầu tư xây dựng theo hình thức PPP. Do đó, khi quyết toán dự án đối với các dự án PPP thực hiện trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15-5-2015 chưa đủ cơ sở để áp dụng hệ số phụ cấp không ổn định sản xuất.
Để xử lý vướng mắc, sớm hoàn thành công tác quyết toán đối với các dự án PPP, năm 2023, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng xem xét, ban hành một nghị định cho phép áp dụng hệ số phụ cấp không ổn định sản xuất vào xác định đơn giá nhân công xây dựng trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15-5-2015 như đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Bộ GTVT cũng đề xuất không hồi tố đối với các dự án, gói thầu không áp dụng khoản phụ cấp này hoặc các dự án đã được kiểm toán, thanh tra kết luận xuất toán và đã nộp ngân sách số tiền phụ cấp không ổn định sản xuất hoặc các dự án đã quyết toán xong theo kết luận của thanh tra, kiểm toán. Đối với các dự án BOT ký kết trong giai đoạn này thì việc thanh toán, quyết toán chi phí nhân công xây dựng thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết phù hợp với quy định của pháp luật liên quan áp dụng cho hợp đồng.
Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cho rằng các dự án trong giai đoạn này đã được triển khai thực hiện đưa vào khai thác sử dụng từ lâu, nhân công, lao động trực tiếp cũng không còn làm việc trong dự án nữa. Trong khi đó, việc áp dụng chính sách là để xác định cho các đối tượng trực tiếp tham gia thực hiện dự án. Do đó, việc đề xuất của Bộ GTVT chưa có cơ sở thuyết phục.
Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, tránh việc lợi dụng chính sách để áp dụng không đúng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, tiêu cực.
Có đảm bảo nguyên nhân tắc công bằng?
Trong khi đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ GTVT làm rõ căn cứ đề nghị xây dựng nghị định theo Điều 84 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. «Đặc biệt, bộ cần làm rõ quy định pháp luật trong giai đoạn từ năm 2005 đến ngày 15-5-2015 về vấn đề này như thế nào? Việc cho phép thông qua đề nghị xây dựng nghị định như đề xuất của Bộ GTVT có phải hợp pháp hóa sai phạm (nếu có) hay không? Có đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với các dự án đã quyết toán trước đó?”.
Thêm vào đó, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Bộ GTVT làm rõ việc áp dụng nguyên tắc không hồi tố với các dự án đã quyết toán có đảm bảo phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không.
Liên quan đến các vấn đề trên, đại diện Bộ GTVT cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, sớm thực hiện quyết toán đối với các dự án BOT.
Tuy nhiên, qua tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành và đối chiếu các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GTVT nhận thấy việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về áp dụng phụ cấp không ổn định sản xuất vào đơn giá nhân công xây dựng đối với các dự án PPP giai đoạn 2005-2015 chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 3 về đảm bảo quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung và khoản 1 Điều 152 về hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật.
Vì vậy, Bộ GTVT cho biết để sớm hoàn thành công tác thỏa thuận quyết toán các dự án PPP thực hiện trong giai đoạn 2005-2015, đơn vị sẽ căn cứ hợp đồng đã ký kết, tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để thỏa thuận quyết toán đối với các dự án này. “Trường hợp có vướng mắc vượt thẩm quyền, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, giải quyết…” - Bộ GTVT cho hay.•
Các dự án gặp khó khăn trong quyết toán
Bộ GTVT cho biết 25 dự án PPP, loại hợp đồng BOT thực hiện trong giai đoạn 2005-2015 chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng mở rộng Quốc lộ 1, đi qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Định. Ngoài ra, còn có các dự án như xây dựng cầu Việt Trì, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên; hầm Phước Tượng - Phú Gia, hầm đường bộ qua Đèo Cả (Phú Yên).