Chia sẻ với PLO, chị Nguyễn Thị Thắm, chủ một cơ sở phun xăm thẩm mỹ trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách tới quán giảm rõ rệt.
"Hiện lượng khách chỉ còn một phần nhỏ so với lúc chưa xảy ra dịch. Xung quanh chỗ tôi nhiều cơ sở cũng đóng cửa gần hết, phần vì khách ế ẩm, phần vì nhiều người cũng sợ dịch lây lan. Làm nghề này chẳng may khách bị nhiễm thì 100% chúng tôi sẽ bị lây nên nhiều người rất sợ" - chị Thắm chia sẻ.
Dịch COVID-19 khiến nhiều hàng quán tại Hà Nội bị ảnh hưởng, một số chỗ đóng cửa, một số chuyển sang hoạt động online. Ảnh: AH
Anh Hà, quản lý một nhà hàng chay tại Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội), cho biết nhà hàng đã mở được bốn năm nay, có lượng khách quen ổn định nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khách hàng hạn chế đến nơi tập trung đông người nên lượng khách cũng giảm đi đáng kể.
Lượng khách quá ít, không đủ để bù các chi phí phát sinh nên nhà hàng đành tạm đóng cửa, tiếp tục theo dõi diễn biến dịch rồi tính tiếp.
"Hợp đồng thuê mặt bằng chúng tôi đã đóng trước cả năm nên giờ tình hình như này chỉ còn cách tạm đóng cửa, đợi dịch lắng xuống rồi tính tiếp. Tôi tin tưởng với cách phòng, chống dịch quyết liệt, sát sao như hiện nay ở nước ta thì chỉ khoảng thời gian ngắn nữa dịch sẽ được khống chế, người dân lại yên tâm ra đường, chúng tôi sẽ kinh doanh trở lại" - anh Hà nói.
Còn chị Đỗ Thị Luyến, chủ một cơ sở mầm non trên đường Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng đang mong ngóng từng ngày dịch qua đi để học sinh đi học trở lại. Một tháng nay, khi Việt Nam có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên và học sinh cả nước tiếp tục nghỉ học do lo ngại dịch, cơ sở mầm non của chị Luyến không có khoản thu nhưng mỗi tháng vẫn phải tốn chi phí khoảng 40 triệu đồng.
"Đây là tình trạng chung rồi, với những chủ cơ sở mà có vài trường ảnh hưởng càng lớn. Nguồn thu không có nhưng tiền thuê mặt bằng, tiền đóng bảo hiểm xã hội, tiền hỗ trợ lương giáo viên, chi phí phòng, chống dịch... vẫn phải có" - chị Luyến cho biết.