Những ngày qua, hàng ngàn người dân đổ xô đến trước phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc (HQ) tại Hà Nội để xin cấp visa (thị thực) sau khi nước này nới lỏng chính sách cấp visa cho công dân tại ba TP lớn. Thậm chí nhiều người xếp hàng từ nửa đêm để xin visa HQ.
Chờ ba ngày vẫn chưa có visa
Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) vừa ngáp ngủ vừa mệt mỏi trả lời: “Tôi chờ chực ở đây ngày thứ ba rồi mà vẫn chưa được thần may mắn gõ cửa. Nhiều lần tôi đưa hồ sơ cho nhân viên lãnh sự quán rồi nhưng vẫn bị ngó lơ”. Dù vậy, anh Tuấn cũng như nhiều người khác chung cảnh vạ vật cho biết họ chưa từ bỏ ước mơ có visa ở xứ sở Kim Chi dù có phải tiếp tục chờ đợi.
Ông Trần Văn Xuân, năm nay đã hơn 60 tuổi, thì bày tỏ: “Con trai tôi đang làm việc ở HQ. Tôi muốn nhân cơ hội này sang thăm cháu nhỏ mới sinh nhưng cứ chờ đợi thế này không biết bao giờ mới được”.
Đến trưa hôm qua, nhiều người vẫn chưa rời chỗ ngồi của mình và chấp nhận nhịn đói hoặc nhờ người mua hộ một số thức ăn lót dạ tiếp tục hành trình chờ đợi nhọc nhằn của mình.
Theo quan sát của chúng tôi, phòng Lãnh sự, Đại sứ quán Hàn Quốc cử một nhân viên làm nhiệm vụ ghi số thứ tự xét duyệt hồ sơ. Tuy nhiên, có lúc nhân viên này cũng không gọi giải quyết hồ sơ theo số thứ tự chờ mà theo từng khu vực. Mỗi khi nhân viên này đến, dòng người lại xốn xang chen lấn. Có người còn quỳ gối, đưa hồ sơ bằng hai tay với những lời nói như khẩn cầu nhân viên lãnh sự.
Nhiều người xếp hàng từ nửa đêm trước Lãnh sự quán Hàn Quốc để lấy số thứ tự nộp hồ sơ xin visa. Ảnh: VIẾT THỊNH
Thiệt hại lớn
Việc có rất đông người đến xin visa HQ xuất phát từ chính sách visa mới của HQ. Cụ thể, từ tháng 12-2018, HQ nới lỏng chính sách visa cho người Việt Nam ở ba TP: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Theo đó, chỉ cần trả phí 80 USD và đợi một tuần, công dân có hộ khẩu hoặc sổ tạm trú tại ba TP trên có thể được xét visa năm năm. Riêng trí thức và nhà khoa học có thể được xét visa 10 năm. Ngoài ra, HQ còn miễn chứng minh tài chính với một số đối tượng như công nhân viên chức chính phủ, từng đi HQ hơn hai lần...
Tuy nhiên, việc có quá đông người đến chờ cấp visa theo diện này cũng khiến không ít người cho đó là bất thường. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hanoi Red Tours, lý giải: Ngoài lý do chính sách visa mới, có thể tháng 4 là tháng cao điểm của mùa du lịch khi hoa anh đào ở HQ bắt đầu nở rộ.
“Việc khách đi HQ tăng lên một cách đột biến dẫn đến tình trạng thời gian xét duyệt visa bị kéo dài hơn. Trước đây khoảng tám ngày thì bây giờ có thời điểm lên tới 14 ngày” - ông Hoan nói.
Từ lý giải của mình, ông Hoan đưa ra lời khuyên người dân nên điều chỉnh kế hoạch đi du lịch của mình sang tháng 5, tháng 6 nếu không vì mục đích ngắm hoa anh đào. “Khách du lịch không nên tập trung quá đông vào dịp này. Vì như thế bản thân họ cũng vất vả, mà các công ty du lịch cũng gặp trở ngại hơn trong việc lên kế hoạch, chủ động đưa khách đi” - ông Hoan đưa ra lời khuyên.
Đại diện một công ty lữ hành tại TP.HCM có chi nhánh ở Hà Nội cho biết thêm, do lượng người xin visa vào HQ tăng đột biến nên xảy ra tình trạng quá tải của Lãnh sự quán HQ. Điều này đang gây tổn thất không chỉ cho các công ty du lịch mà cả khách hàng.
Ví dụ, có công ty du lịch có đoàn khách tối bay qua HQ nhưng đến chiều vẫn chưa có visa. Đặc biệt, những khách hàng từ Nghệ An, Hà Tĩnh… phải mua vé máy bay ra Hà Nội để nhập đoàn nhưng không có visa nên phải tốn thêm chi phí ăn ở lại. Như vậy, khách hàng vừa tốn chi phí lại vừa không hài lòng với công ty du lịch.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông và marketing Công ty Du lịch TST, cho biết hiện ở TP.HCM việc xin visa du lịch HQ vẫn diễn ra bình thường, chưa bị ảnh hưởng gì. Nhưng từ tháng 5 đến tháng 8 tới là cao điểm người Việt đi du lịch tại HQ, lượng khách gia tăng nên quá tải visa là vấn đề đáng lo ngại.
Hy vọng sẽ giải quyết được quá tải
Trao đổi với báo chí, một cán bộ Đại sứ quán HQ tại Hà Nội cho biết do số lượng hồ sơ xin thị thực đổ dồn về cùng lúc từ 1.000 đến 2.000 hồ sơ nên bộ phận xử lý visa của đại sứ quán quá tải. “Các nhân viên lãnh sự đã làm việc rất vất vả, thậm chí làm thêm giờ để giải quyết hồ sơ nhưng không xuể” - cán bộ Đại sứ quán HQ cho biết.
Cán bộ đại sứ quán này lý giải: Sở dĩ nhiều người Việt đổ xô xin thị thực một phần là do có tin đồn thay đổi chính sách visa năm năm cho công dân Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng trong tháng 4 nên đổ xô xin visa trước khi có thay đổi. Tuy nhiên, cán bộ này khẳng định tin đồn này là vô căn cứ.
Trong khi đó, ông Park Jong Sun, Trưởng đại diện Văn phòng đại diện Tổng cục Du lịch HQ tại Việt Nam, cho biết trong ba tháng đầu năm 2019, tổng cộng đã có 105.364 khách du lịch Việt Nam đến thăm HQ, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy chính sách mới cấp thị thực nhiều lần cho người dân tới từ TP lớn ở Việt Nam là một trong những yếu tố góp phần đẩy mạnh nhu cầu du lịch HQ của người Việt Nam.
Tuy nhiên, do số lượng người đăng ký visa nhiều lần tăng mạnh trong thời gian ngắn đã và đang gây ra nhiều sự trở ngại và bất tiện. “Tôi tin rằng Đại sứ quán HQ sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp cho vấn đề này. Đặc biệt, bằng việc mở cửa trung tâm visa vào ngày 25-4 sắp tới, chúng tôi hy vọng sẽ giải quyết được tình trạng quá tải, góp phần đẩy nhanh thời gian giải quyết visa và giảm thời gian chờ đợi cho người dân Việt Nam muốn đến với HQ” - ông Park Jong Sun nói.
Khó có thể xuất khẩu lao động bằng visa du lịch Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), bày tỏ chưa thể lý giải được một cách cặn kẽ về sự gia tăng đột biến người xin visa đi HQ trong những ngày này. Trước thông tin một số người dân có thể nhân chính sách visa mới của HQ để làm visa du lịch nhưng thực chất là trốn ở lại để làm lao động bất hợp pháp, bà Hà khẳng định “thông tin này chưa thể xác minh được”. Theo bà Hà, đi xuất khẩu lao động HQ không thể đi theo visa du lịch được. Bởi đối với chương trình xuất khẩu lao động phổ thông, chỉ những người thi có bằng và được chọn do Trung tâm Lao động ngoài nước phái cử thì trung tâm sẽ đứng ra làm visa cho người lao động. Còn đối với lao động chất lượng cao và chương trình thuyền viên sang HQ làm việc, các doanh nghiệp đưa lao động đi sẽ đứng ra làm, người lao động không phải tự làm. |