Mới đây, Công an TP Pleiku (Gia Lai) cho biết đã tạm giữ hình sự Nguyễn Tấn Phát, Hoàng Vũ Bảo và Trần Minh Tú (cùng ngụ TP Pleiku) về hành vi cạy phá hơn 100 ngôi mộ tại nghĩa trang TP Pleiku.
Theo đó, khoảng 3 giờ sáng 6-8, Công an TP Pleiku phát hiện hai thanh niên đang thực hiện hành vi cạy phá các bàn thờ tại nghĩa trang TP Pleiku. Công an đã truy bắt được Nguyễn Tấn Phát, người còn lại chạy thoát. Qua đấu tranh, Công an TP Pleiku quyết định tạm giữ hình sự thêm Hoàng Vũ Bảo và Trần Minh Tú.
Bước đầu, các đối tượng này khai nhận họ đi đến nghĩa trang TP Pleiku, dùng thanh sắt cạy lấy khung nhôm tại các ngôi mộ mục đích mang đi bán kiếm tiền. Các đối tượng này đã thực hiện cạy phá hơn 100 ngôi mộ...
Vậy hành vi của các đối tượng trên phạm tội gì?
Theo ThS - luật sư Nguyễn Trương Văn Tài (Đoàn Luật sư TP.HCM), hành vi của các đối tượng trên có dấu hiệu của tội xâm phạm mồ mả theo quy định tại Điều 319 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 319 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Đầu tiên, về chủ thể của tội xâm phạm mồ mả được quy định là chủ thể bình thường và theo Điều 12 BLHS 2015 là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Các đối tượng này đã 17 và 18 tuổi, do đó đã đủ dấu hiệu chủ thể của tội phạm.
Về hành vi khách quan, các đối tượng đã có các hành vi cụ thể xâm phạm đến mồ mả là phá mồ mả và chiếm đoạt tài sản trong mộ là những khung nhôm.
Ngoài ra, theo ThS - luật sư Tài các đối tượng đã có hành vi lén lút vào nghĩa trang nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản là những thanh khung nhôm trên những ngôi mộ, mà những ngôi mộ này thuộc quyền quản lý của những người thân của người đã mất. Hơn nữa, các đối tượng này đã cạy phá hơn 100 ngôi mộ để lấy khung nhôm, do đó giá trị tài sản bị chiếm đoạt có khả năng sẽ lớn hơn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với hành vi này, CQĐT sẽ tiến hành điều tra và xác minh xem có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay không.
Nói thêm về hành vi xâm phạm mồ mả, ThS - luật sư Tài cho biết, hành vi xâm phạm mồ mả là hành vi gây bức xúc trong xã hội, gây ảnh hưởng đến phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam. Nó không những gây thiệt hại về phần tài sản mà còn xâm phạm đến quyền nhân thân của chính người đã khuất, đồng thời cũng gây ra những tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của cá nhân có mồ mả bị xâm phạm. Do đó, để bảo vệ truyền thống, giá trị văn hóa, phong tục của người Việt, hành vi xâm phạm đến mồ mả trái pháp luật cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể theo Điều 319 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người phạm tội xâm phạm mồ mả có thể bị phạt tù lên đến 7 năm. Đồng thời, người có hành vi xâm phạm mồ mả còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo Điều 607 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả.