Pháp Luật TP.HCM trân trọng giới thiệu tới bạn đọc những chính sách mới nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 9-2024 dưới đây:
Quy định mới về số lượng hiệu phó tại trường phổ thông
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định khác đã được ban hành.
Theo đó, Nghị định 83 sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 120/2020 quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, sửa quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Hiện theo quy định tại Nghị định 120/2020, các cơ sở giáo dục phổ thông (tiểu học, THCS, THPT, phổ thông có nhiều cấp học) công lập sẽ được bố trí không quá hai cấp phó.
Tuy nhiên, theo quy định mới, đối với trường phổ thông có nhiều cấp học có quy mô từ 40 lớp trở lên thì được bố trí không quá ba cấp phó. Các trường còn lại, số lượng hiệu phó được giữ nguyên, không quá hai người.
Nghị định 83/2024 có hiệu lực từ ngày 1-9-2024.
Hộ gia đình được vay đến 25 triệu đồng/công trình nước sạch
Ngày 15-7, Thủ tướng ban hành Quyết định 10/2024 về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Quyết định này quy định về việc cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hai loại công trình, bao gồm công trình cấp nước quy mô hộ gia đình và công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.
Theo đó, hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) chưa có công trình cấp nước, công trình vệ sinh hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hư hỏng, cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa sẽ được vay vốn.
Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/loại công trình/khách hàng. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 60 tháng, với lãi suất cho vay 9%/năm, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Đáng chú ý, khách hàng được vay vốn để đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa hai loại công trình nước và vệ sinh môi trường hộ gia đình nhưng tổng dư nợ mỗi loại công trình không vượt quá mức cho vay tối đa của mỗi loại công trình.
Quyết định 10/2024 có hiệu lực từ ngày 2-9-2024.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng bác sĩ
Ngày 12-7, Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.
Trong đó quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ cao cấp (hạng I), bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), y tế công cộng cao cấp (hạng I), dược sĩ cao cấp (hạng I).
Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh bác sĩ chính (hạng II), bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), y tế công cộng chính (hạng II), dược sĩ chính (hạng II), điều dưỡng hạng II, hộ sinh hạng II, kỹ thuật y hạng II, dinh dưỡng hạng II, dân số viên hạng II.
Để được xét thăng hạng, viên chức cần đáp ứng điều kiện chung gồm:
Thứ nhất, đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (có năng lực, trình độ đảm nhận được chức danh mới; đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ…).
Thứ hai, được người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định cử viên chức dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Thứ ba, đối với yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ, phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và tiêu chuẩn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại các thông tư, thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số.
Thứ tư, có vị trí việc làm còn thiếu tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp viên chức được xét thăng hạng.
Ngoài ra, viên chức phải đáp ứng yêu cầu đặc thù. Đơn cử, bác sĩ chính hạng III lên hạng II phải đạt một trong các thành tích, kết quả hoạt động như: Đạt danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên; được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên…
Thông tư 11/2024 có hiệu lực từ ngày 1-9-2024.
Bãi bỏ hàng loạt thông tư thuộc lĩnh vực thuế
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 52/2024/TT-BTC bãi bỏ toàn bộ tám thông tư của bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực thuế dưới đây:
- Thông tư 181/2009/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định 96/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách (thuế - PV) phát triển nhà ở cho sinh viên các trường ĐH, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê; nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị.
- Thông tư 11/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Thông tư 151/2010/TT-BTC hướng dẫn áp dụng các loại thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước đối với Quỹ phát triển đất.
- Thông tư 176/2010/TT-BTC hướng dẫn doanh nghiệp trích trước vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp để tạo nguồn hỗ trợ các huyện nghèo.
- Thông tư 104/2011/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Thông tư 30/2013/TT-BTC hướng dẫn hoàn lại tiền thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon làm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa.
- Thông tư 141/2013/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 92/2013 quy định chi tiết một số điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.
- Thông tư 187/2013/TT-BTC ngày 5-12-2013 của bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 204/2013/NĐ-CP ngày 5-12-2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, 2014.
Thông tư 52/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10-9-2024.