Tối cuối tuần, dù tiết trời se lạnh nhưng nhóm học sinh lớp 12A2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (TP.HCM) vẫn rong ruổi trên mọi nẻo đường, trao tận tay những phần ăn thơm ngon do các em tự chuẩn bị cho những người vô gia cư.
“Có em níu áo, ôm chân không rời”
Em Nguyễn Hoàng Thanh Bảo, học sinh lớp 12A2, chia sẻ: “Nhận lấy suất ăn còn nóng hổi, thấy các cô chú mỉm cười, em vui lắm. Càng đi, tiếp xúc với những người thiếu may mắn, em thấy bản thân thật hạnh phúc khi có gia đình, được mọi người yêu thương, quan tâm”.
Cùng tâm trạng, Văn Mỹ Uyên, học sinh lớp 12A2, cho biết khi trung tâm phát động chương trình, các em đã lên kế hoạch thực hiện. “Nhóm vừa cùng nhau tổ chức nấu ăn rồi đem tặng bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Dù không phải ai cũng rành việc bếp núc nhưng mỗi người một việc nên cuối cùng cũng hoàn thành. Hiện nay chúng em đang nuôi heo đất để có thêm chi phí tiếp tục tiến hành những hoạt động khác” - Mỹ Uyên nói thêm.
Không chọn đi phát cơm từ thiện, những thành viên của lớp 11A3 lại thực hiện chuyến đi đến Mái ấm tình thương Phúc Lâm (Đồng Nai), nơi nuôi dưỡng gần trăm đứa trẻ mồ côi.
Em Trần Thi Nhung, một học sinh của lớp, cho biết chuyến đi được lớp chuẩn bị trong hai tuần. Nguồn kinh phí một phần từ quỹ lớp, một phần từ phụ huynh hỗ trợ. Nhóm chuẩn bị xe; nhóm mua bánh, kẹo, sữa; nhóm liên hệ với mái ấm. “Thấy có người tới thăm, tặng quà, các bé cười tươi, quấn quýt không rời. Khi lớp phải ra về, có bé chạy theo níu tay, ôm chân không chịu buông. Thương các bé lắm” - Thi Nhung tâm sự.
“Từ khi tham gia thực hiện những hoạt động thiện nguyện, các em có sự chuyển biến tích cực” - cô Nguyễn Thị Thúy Diệu, giáo viên trung tâm, nói.
Cô Diệu cho biết các em trở nên ngoan và điềm tĩnh hơn. Đặc biệt trong những giờ dạy môn giáo dục công dân, các em chú ý lắng nghe và không còn quậy phá như trước. Mặt khác, các em rất thích những chuyến đi thiện nguyện như vậy.
“Trong một bài kiểm tra, tôi yêu cầu các em viết cảm nhận của mình sau những chuyến đi thiện nguyện. Đa số các em đều cảm thấy đó là những chuyến đi ý nghĩa, đem lại nhiều cảm xúc. Các em mong muốn được tiếp tục tham gia. Có em chia sẻ đến thăm ngôi chùa nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, em vừa thương các bé lại thấy thương bạn mình. Bởi trước đây bạn đã một thời phải sống ở đây. “Giờ đây em mới thấu hiểu được những gì bạn đã phải trải qua. Vì thế em sẽ quý mến bạn hơn”.
“Những chuyến đi như thế sẽ giúp các em biết yêu thương mọi người, biết cho đi, biết cảm thông và chia sẻ với những người không may mắn, không có điều kiện” - cô Diệu nói.
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: NTCC
Dạy trò thành người bình thường, tử tế
Đây là thông điệp của ông Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, trước hơn 1.000 phụ huynh trong phiên họp đầu năm của trường. Trung tâm sẽ là nơi đào tạo ra những học sinh bình thường, tử tế. Nếu phụ huynh mong muốn nơi này đào tạo học sinh giỏi thì họ đã sai lầm.
“Bình thường không phải là tầm thường, các em khi ra trường sẽ có một khối lượng kiến thức để tiếp tục chọn các bậc học khác tùy theo năng lực của mình. Vì thế, tôi chỉ đạo giáo viên dạy đúng khung chương trình mà Bộ GD&ĐT đã quy định, không cần nâng cao.
Trung tâm sẽ tăng cường giảng dạy ứng dụng và tập trung vào dạy tiếng Anh, thể thao, tin học. Mặt khác, trung tâm sẽ rèn luyện các em về nhân cách với mong muốn các em sống đàng hoàng, biết yêu thương người thân và chia sẻ với những người khó khăn hơn mình” - ông nói.
Ông Hoàng cho biết thêm hiện nay xã hội đang thiếu vắng sự cảm thông, lòng nhân ái. Ra đường chỉ cần một va chạm nhỏ, thay vì xin lỗi mọi người lại dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Cho nên nhà trường phải là môi trường nuôi dưỡng, giáo dục các em hướng thiện.
Để triển khai điều đó, trung tâm đã mời chuyên gia nói chuyện về lòng nhân ái để các em hiểu. Bên cạnh đó, trung tâm tăng cường dạy môn giáo dục công dân với nhiều chuyên đề về đạo đức, phẩm chất, phẩm giá, lòng tự trọng, tự ái.
Trung tâm còn triển khai phong trào mỗi bạn mỗi ngày thực hiện một hành động nhân ái. Mỗi em làm một việc tốt sẽ được cộng 10 điểm trong hạnh kiểm. Còn một lần đi trễ các em sẽ bị trừ 1 điểm. Từ đó các em sẽ thấy giá trị thực hiện hành vi nhân ái gấp 10 lần vi phạm.
Kỳ rèn luyện đặc biệt Tại trung tâm, những học sinh quậy phá sẽ có một kỳ rèn luyện đặc biệt. Các em phải đến trường phụ quét sân, lau cửa sổ, đọc một cuốn sách về kỹ năng và một cuốn tiểu thuyết. Đặc biệt, các em phải tự lên kế hoạch cho một hành động nhân ái. Cứ thực hiện năm hành vi nhân ái, các em sẽ được cộng 10 điểm vào bài kiểm tra giáo dục công dân. 10 hành vi nhân ái, các em sẽ không phải làm bài thi môn này. Và các em sẽ được tặng một giấy khen chứng nhận học sinh có hành vi nhân ái. Tuy nhiên, tấm giấy khen chỉ là sự ghi nhận, điều mà chúng tôi mong muốn “gieo thói quen, gặt tính cách” sẽ hình thành sự tự giác làm việc tốt ở mỗi học sinh và từ đó lan tỏa yêu thương trong môi trường học đường. |