Những điểm đáng chú ý khác trong kết luận điều tra vụ ông Diệp Dũng

(PLO)- Quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định tài khoản ngân hàng của bị can Diệp Dũng nhận được 100 tỉ đồng nhưng bị can này khai số tiền đó nhận từ một giám đốc và không liên quan vụ án. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) - Công an TP.HCM đã hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT) bổ sung lần thứ tư trong vụ án xảy ra tại Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op.

Cơ quan ANĐT đề nghị truy tố: Diệp Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op), Nguyễn Thành Nhân (cựu Tổng giám đốc Saigon Co.op), Hồ Mỹ Hòa (Giám đốc Phòng Tài chính Saigon Co.op) và 2 bị can về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; 4 bị can khác về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, Nguyễn Thành Nhân và Hồ Mỹ Hòa bị đề nghị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Quá trình VKS trả hồ sơ điều tra bổ sung, cơ quan ANĐT xác định hai bị can này đồng phạm giúp sức cho Diệp Dũng nên đã thay đổi quyết định khởi tố bị can về tội lạm quyền khi thi hành công vụ.

Theo nội dung vụ án, năm 2016, Saigon Co.op được UBND TP chấp thuận mua mua lại chuỗi siêu thị Big C Việt Nam. Saigon Co.op đã phát hành công văn huy động vốn vào số tài khoản của một ngân hàng thương mại cổ phần để thực hiện thương vụ này.

Sau đó, tài khoản ngân hàng huy động vốn của Saigon Co.op nhận được 3.000 tỉ đồng của 56 công ty góp vốn. 3.000 tỉ đồng có nguồn gốc từ việc một ngân hàng giải ngân cho 6 công ty (gồm: Sài Gòn Vina, Bắc Mỹ An, Phước Hùng Anh, Anh Anh Minh, Đô Thị Mới và Thùy Dương Đức Bình) vay.

Từ tháng 6-2016 đến tháng 3-2018, Diệp Dũng đã không thông qua HĐQT Saigon Co.op tự ý chỉ đạo Phòng tài chính, Phòng kế toán chuyển 1000 tỉ đồng trong 3000 tỉ đồng huy động vốn để thực hiện thương vụ Big C và mở rộng mạng lưới cho Công ty Đô Thị Mới (700 tỉ đồng), Công ty Đại Á (300 tỉ đồng) để hợp tác đầu tư.

Theo nội dung hợp tác đầu tư, Saigon Co.op được nhận tỉ lệ lợi nhuận cố định trên tổng số tiền hợp tác là 7%/năm. Tuy nhiên, Diệp Dũng đã kí thỏa thuận bổ sung, điều chỉnh tỉ lệ lợi nhuận từ 7%/năm thành 0%/năm. Gây thiệt hại cho Saigon Co.op hơn 115,6 tỉ đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT ra lệnh kê biên 75.000 cổ phiếu; phong tỏa hơn 3,4 tỉ đồng trong các tài khoản ngân hàng của Diệp Dũng.

Kê biên hai căn hộ ở quận Bình Thạnh, 4073 cổ phiếu và phong tỏa hơn 149.000 USD và hơn 23 triệu đồng trong các tài khoản ngân hàng đối với bị can Tôn Thất Hào (Tổng giám đốc Công ty Đô Thị Mới).

Đối với bị can Võ Thành Trung (Tổng giám đốc Công ty Đại Á), cơ quan ANĐT phong tỏa hơn 498 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng, kê biên hơn 5 triệu cổ phiếu.

Các bị can Nguyễn Thành Nhân, Hồ Mỹ Hòa, Hàng Thanh Dân (cựu trưởng ban kiểm soát Saigon Co.op), Nguyễn Thị Thùy Trang (cựu kiểm soát viên Saigon Co.op), Trần Trung Liệt (cựu kế toán trưởng Saigon Co.op) đã tự nguyện khắc phục hậu quả tổng cộng 420 triệu đồng.

Công ty Đại Á tự nguyện giao nộp 1,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Tôn Thất Hào. Công ty Đô Thị Mới đã tự nguyện giao nộp 3,5 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho bị can Võ Thành Trung.

Bên cạnh đó, quá trình điều tra, cơ quan điều tra xác định ngày 16-6-2016, tài khoản ngân hàng của Diệp Dũng nhận được 100 tỉ đồng. Ngày 24-6-2016, Diệp Dũng thực hiện 8 giao dịch rút tiền mặt trong tài khoản trên. Cùng ngày, tài khoản của người thân Diệp Dũng phát sinh các giao dịch nộp tiền, chuyển tiền, rút tiền mặt.

Kết quả điều tra, Diệp Dũng thừa nhận có nhận 100 tỉ đồng từ một giám đốc của Công ty Hải Dương nhưng từ chối khai báo thêm với lý do vì không liên quan vụ án. Vị giám đốc này khai không nhớ về việc chuyển 100 tỉ đồng cho Diệp Dũng. Tại các buổi làm việc, người này cam kết sẽ về kiểm tra, cung cấp tài liệu chứng cứ về nhưng đến nay chưa cung cấp để làm rõ bản chất giao dịch.

Để làm rõ việc nhận và sử dụng 100 tỉ đồng của Diệp Dũng, cơ quan điều tra đã 4 lần yêu cầu một ngân hàng cung cấp thông tin. Đối với các yêu cầu này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 4 văn bản yêu cầu ngân hàng này nghiêm chỉnh thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra; cơ quan ANĐT đã có 16 văn bản đôn đốc ngân hàng này và 8 lần triệu tập tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của ngân hàng này để làm việc. Tuy nhiên đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa nhận được sự phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu.

Xét thấy nội dung vụ việc trên không ảnh hưởng tới việc kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Saigon Co.op, nên cơ quan điều tra đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thanh tra giám sát đối với ngân hàng trên để cung cấp tài liệu cho cơ quan ANĐT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm