Theo Sở GTVT, trong vòng 48 giờ đơn đề nghị nhằm tạo điều kiện cho người dân TP.HCM bị kẹt ở các tỉnh thành trở về TP sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Đây là một bước cải tiến mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cấp giấy đi lại cho người dân về TP một cách nhanh chóng mà Sở GTVT đã triển khai.
3 bước gửi thông tin qua web của Sở GTVT
Sở GTVT giấy đi lại cấp thiết cho hai nhóm đối tượng như sau: Người đi từ TP.HCM đến các tỉnh TP khác và người TP.HCM từ các tỉnh, TP khác trở về TP.HCM.
Người dân có nhu cầu hỗ trợ di chuyển, thực hiện đơn đăng ký hỗ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết trên Cổng thông tin điện tử của Sở GTVT tại địa chỉ https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen. Đơn đăng ký di chuyển phải được nộp trước thời gian dự kiến di chuyển ít nhất 48 giờ.
Có ba bước để cập nhật thông tin.
Ba bước để điền thông tin như sau:
Bước 1: Điền đầy đủ các trường thông tin của mẫu đơn và đính kèm Bản chụp (định dạng file ảnh hoặc .pdf) giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện.
Bước 2: Thực hiện thao tác “Xác nhận”. Màn hình hiện khung hội thoại: “Vui lòng nhập mã OTP đã gửi qua SMS”.
Bước 3: Nhập mã OTP, người làm đơn sau khi nhập mã OTP, màn hình sẽ hiển thị khung hội thoại xác nhận Sở GTVT đã nhận đơn. Sau đó, sở sẽ xử lý đơn trong vòng 48 giờ tính từ thời điểm nhận đơn.
Tiếp nhận thông tin từ ngày 7-10
Sở GTVT cho biết trong chiều 7-10, web tiếp nhận thông tin của sở đã được mở và người dân có thể gửi thông tin qua web này.
Trong vòng 48 giờ, sở sẽ phản hồi kết quả giải quyết thông qua địa chỉ mail của người gửi đơn.
Nếu được chấp thuận, người làm đơn sẽ nhận được file PDF của "Giấy đề nghị hổ trợ di chuyển trong trường hợp cấp thiết” có mã QR code. Mã QR code này nhằm phục vụ các cơ quan kiểm tra, giám sát trong quá trình di chuyển.
Người dân có thể in mã hoặc mang theo bản điện tử trên thiết bị di động để sử dụng khi lưu thông trên đường.
Trường hợp đơn không được chấp thuận, người làm đơn sẽ nhận được phản hồi nguyên nhân không được chấp thuận đơn.
Tuân thủ nhiều quy định
Sở GTVT đề nghị người dân khi di chuyển phải thực hiện đúng mục đích chuyến đi và nội dung đơn đã đăng ký. Đồng thời chấp hành quy định về an toàn phòng chống dịch của các địa phương có lộ trình đi qua và địa phương nơi đến.
Đặc biệt, người dân cũng cần chủ động thông báo và liên hệ với chính quyền địa phương nơi đến trước khi di chuyển để được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Người dân thực hiên khai báo y tế VNEID theo quy định và mang theo các giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh mục đích di chuyển, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS- CoV-2 còn hiệu lực 72 giờ.
Người dân di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh thành phải là người đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 180 ngày hoặc đã tiêm chủng ít nhất một mũi đối với loại vaccine tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm (điều kiện này không áp dụng đối với người dân TP.HCM từ các tỉnh, TP khác trở về TP.HCM).
Người dân đến TP.HCM phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng Y tế HCM. Trường hợp phải bắt buộc thay đổi thời gian di chuyển đã đăng ký thì thực hiện cách ly theo quy định của địa phương nơi đến.
Người đăng ký di chuyển phải thực hiện đăng ký tại cổng thông tin của Sở GTVT tại địa chỉ https://thongtin-sgtvt.tphcm.gov.vn/dich-vu-cong/dang-ky-di-chuyen.
Phương tiện di chuyển là các loại hình vận tải liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không). Trường hợp di chuyển bằng xe ô tô cá nhân phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp theo quy định.
Ngày 7-10, trao đổi với Báo Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết đến nay người dân từ các tỉnh thành về TP hoặc người dân TP.HCM đi các địa phương trong trường hợp cấp thiết đều được tạo điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế còn phụ thuộc vào cách giải quyết của từng địa phương.
Bốn trường hợp cấp thiết gồm: Người đi khám bệnh; người dân TP.HCM từ các tỉnh TP khác trở về TP.HCM; người đi từ TP.HCM đến các tỉnh, TP khác trong một số trường hợp cấp thiết và người từ tỉnh, thành khác tới TP.HCM.
Các trường hợp được cấp giấy di chuyển khi cần thiết Người đi từ TP.HCM đến các tỉnh, TP khác: Đưa đón người bệnh hiểm nghèo; đưa đón con nhỏ dưới 18 tuổi; đưa đón phụ nữ mang thai; tham gia phỏng vấn trước khi đi nước ngoài; tham gia thi cử nếu có giấy báo thi; thực hiện di chuyển theo yêu cầu của toà án hoặc cơ quan điều tra. Người dân TP.HCM từ các tỉnh, TP khác có nguyện vọng trở về TP.HCM: Có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM; có giấy xác nhận tạm trú tại TP.HCM, giấy xác nhận tạm vắng của địa phương có địa chỉ nơi đến là TP.HCM. Lưu ý, cả hai trường hợp trên nếu người dân đã được sự chấp thuận bằng văn bản của UBND tỉnh, TP nơi đi cho phép đến TP.HCM thì không thuộc đối tượng cần Sở TP.HCM xác nhận di chuyển nữa. Quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn vướng mắc hoặc có ý kiến góp ý, các đơn vị, người dân liên hệ với Sở GTVT thông qua số điện thoại (zalo) 0988.205.533 để được hướng dẫn. |