Những lầm tưởng phổ biến khi uống rượu bia

Rượu bia vốn dĩ gây hại cho sức khỏe, song nhiều người tiêu dùng lại có các cách uống rượu bia sai lầm khiến cho tác hại nhân lên nhiều lần. 

Uống nhiều mới hại sức khỏe

Chia sẻ với PLO, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Khoa học công nghệ và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội, quan niệm này là sai lầm bởi không có khối lượng chính xác về uống nhiều hay uống ít, cũng không có bằng chứng khoa học nào chứng minh uống rượu với lượng vừa phải tốt cho sức khỏe.

“Do đó, không có một ngưỡng an toàn nào đối với sức khỏe khi sử dụng rượu bia. Nguy cơ gây bệnh sẽ tăng lên tương ứng với lượng cồn tiêu thụ và phụ thuộc nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, đặc tính sinh học...” - vị chuyên gia nhận định.

Không có một ngưỡng an toàn nào đối với sức khỏe khi sử dụng rượu bia. Ảnh: Internet

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh rằng nếu uống quá nhiều rượu sẽ tổn hại đến nhiều cơ quan trong cơ thể con người từ hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ nội tiết, hệ tiêu hóa. Đáng lưu ý nhất là rượu gây hại mạnh nhất lên gan, có thể dẫn tới các bệnh lý nghiêm trọng về gan, khiến gan không chuyển hóa được chất độc, làm các độc tố tồn ứ trong cơ thể và gây độc. Việc này tạo thành vòng lặp lại khiến cơ thể suy yếu nhanh chóng và rất dễ mắc các bệnh lý về gan như xơ gan hoặc ung thư gan.

Uống thuốc giảm đau, chống viêm khi nhậu

Viện Dinh dưỡng Quốc gia lưu ý người tiêu dùng không nên sử dụng rượu với aspirin (aspirin là một loại thuốc giảm đau, chống viêm). Khi uống rượu có thể gây đau đầu, do đó nhiều người đã sử dụng thuốc này để chống lại cảm giác đấy. Tuy nhiên, đây là điều hết sức nguy hiểm vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu dẫn đến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh. Do đó những người đang có chỉ định dùng aspirin (trong những trường đau đầu, đau răng, đau khớp, có nguy cơ đột quỵ…) thì nên tránh uống rượu.

Rượu bia pha với nước ngọt, cà phê

Theo chuyên gia sức khỏe trên trang Health, nhiều người thường mắc sai lầm khi nghĩ rằng pha loãng bia với các loại nước ngọt có gas sẽ làm giảm độ cồn của bia, khi uống vào sẽ lâu say hơn. Trên thực tế, cách "chống say" này hoàn toàn phản tác dụng.

Điều này cũng được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khằng định bởi trong nước ngọt có gas hay soda thường chứa nhiều CO2, nếu pha rượu bia với loại nước này chỉ khiến quá trình hấp thu cồn nhanh hơn và người uống sẽ bị đau đầu, chóng mặt. Ethanol có hại cho não bộ làm suy giảm trí nhớ, thậm chí mất ý thức khi uống quá nhiều. Việc kết hợp rượu và nước ngọt góp phần làm giãn mạch máu ở da nhưng lại gây co mạch ở các phủ tạng sâu khác dẫn đến huyết áp cao đột ngột, có thể tử vong.

Rượu, bia pha nước ngọt chỉ làm nồng độ cồn hấp thụ vào máu nhanh hơn. Ảnh: Internet

Đồng thời, người tiêu dùng cũng không nên uống rượu bia với caffeine như cà phê... Bởi theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rượu là một chất ức chế làm chậm hoạt động của não và làm suy yếu khả năng đi lại, giao tiếp và suy nghĩ. Caffeine là chất kích thích làm tăng huyết áp, nhịp tim và trong một số trường hợp, gây nhịp tim đập nhanh và nhịp tim không đều. Caffeine cũng dẫn đến nhức đầu, bồn chồn, kích động, các vấn đề về dạ dày và hơi thở bất thường. Nếu sử dụng caffeine để “tỉnh táo” khi uống rượu là một sai lầm nguy hiểm.

Uống đồng thời rượu và caffeine không có sự trung hòa giữa chất ức chế và chất kích thích, ngược lại nó làm tăng nguy cơ tử vong do mắc hội chứng sốc độc tố.

Uống rượu nguy hại hơn uống bia

Nhiều người cho rằng uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Tuy nhiên, trả lời trên VNExpress, ông Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm (Cục Y tế dự phòng), nhận định đây là quan niệm sai lầm. Bởi tác hại của rượu bia là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, và chúng làm cho người uống bị nghiện rượu bia. Ngoài ra, chất cồn trong rượu bia gây nhiễm độc cấp tính hoặc mạn tính, tác động lên cấu trúc và dẫn truyền của hệ thần kinh trung ương, làm rối loạn phối hợp động tác, giảm tỉnh táo, rối loạn nhận biết, ý thức, ảnh hưởng đến hành vi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm