Trong nỗ lực kích hoạt nền kinh tế lớn nhất thế giới đang chật vật trên con đường phục hồi mong manh, Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã quyết định mua 600 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ, trong bối cảnh nhiều nước như Nhật Bản, Brazil và Thái Lan kìm giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Theo nhận định của giới chuyên gia, việc các nước giảm giá đồng nội tệ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế nội là một sai lầm nghiêm trọng.
Cuộc chiến vô vọng
Nới lỏng định lượng (QE) vốn là một biện pháp khá phổ biến của các ngân hàng trung ương, dựa trên công trình nghiên cứu của Joseph Gagnon, một cựu kinh tế gia của FED. QE đơn giản là tung tiền ra mua lại trái phiếu chính phủ với hy vọng hạ được lãi suất. Theo một tính toán của FED được báo New York Times dẫn lại, việc tung ra 600 tỷ USD để mua lại trái phiếu chính phủ Mỹ lần này có tác dụng tương đương hạ lãi suất ngắn hạn xuống 0,5%. Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng cách hạ lãi suất cơ bản từ mức 0,1% xuống 0-0,1%. Chính phủ Thái Lan cũng tuyên bố sẽ thu trước 15% lợi nhuận và lợi tức đối với vốn nước ngoài đầu tư vào trái phiếu, với hy vọng ngăn chặn sự tăng giá mạnh của đồng baht.
Chiến lược mua trái phiếu chính phủ của FED có thể khiến đồng USD vốn đã yếu lại càng yếu hơn và điều này tiếp tục gây ra phản ứng của một loạt nước trên thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Brazil, ông Guido Mantega, nói rằng động thái nói trên của FED giống như là “rắc tiền xuống đất từ trên máy bay lên thẳng". Theo ông Mantega, cả thế giới muốn kinh tế Mỹ phục hồi, nhưng không phải theo cách đó bởi nó sẽ không thúc đẩy tăng trưởng và kết quả duy nhất chỉ là làm đồng USD giảm giá để nâng cao khả năng cạnh tranh trong buôn bán quốc tế. Ông Mantega đề nghị Mỹ phải điều chỉnh chính sách đó vì cho rằng các nền kinh tế đang nổi không đáng phải "trả giá" cho sự phục hồi của nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Bộ trưởng Thương mại Philippine, Gregorio Domingo, cho biết các nhà xuất khẩu nước này - vốn đã gặp khó khăn do đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được định giá thấp - sẽ phải chịu nhiều sức ép hơn nữa từ việc bơm tiền của Mỹ. Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Rainer Bruederler cũng nói rằng Mỹ nên tập trung vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế, thay vì thực hiện QE. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cho rằng gói kích thích mới của FED có thể gây tổn hại tới phần còn lại của thế giới. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải thậm chí còn đòi phía Mỹ phải giải thích và yêu cầu Washington có trách nhiệm về nguồn tiền mới đó.
Đồng USD là đồng tiền chi phối thương mại toàn cầu và là đồng tiền dự trữ của thế giới, với việc chiếm khoảng 42% các giao dịch và 2/3 dự trữ ngoại tệ.
Sức ép kinh tế
Khi kinh tế rơi vào suy thoái, các chính phủ thường tổng hòa các chính sách nhằm kích thích phục hồi. Nới lỏng tiền tệ là tăng nguồn cung bằng việc in thêm tiền và sử dụng tiền đó để mua những tài sản mà các nhà đầu tư không muốn mua. Việc bơm thêm tiền vào hệ thống lưu thông này, ít nhất về mặt lý thuyết, sẽ hạ thấp chi phí tín dụng trong toàn bộ nền kinh tế. Biện pháp này cũng cho phép ngân hàng trung ương tập trung vào một lĩnh vực cụ thể nào đó được cho là sẽ có tác dụng nhất trong việc thúc đẩy nền kinh tế.
Một sự trùng hợp éo le là ngày cử tri Mỹ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thì cũng là lúc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cân nhắc việc in thêm tiền để bơm (lên tới 600 tỷ USD) vào nền kinh tế. Kết quả của cuộc bỏ phiếu cho thấy đảng Dân chủ mới bị cử tri trừng phạt nặng.
Cử tri Mỹ thất vọng vì đặt quá nhiều kỳ vọng vào ông Obama rồi thấy ông phó thác cho quốc hội các kế hoạch vừa tốn kém vừa không có hiệu quả. Kinh tế Mỹ bị rơi vào chu kỳ suy thoái từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2009 mới đụng đáy và ngoi lên. Nhưng sự phục hồi đó lại bấp bênh, yếu ớt, trong khi thất nghiệp tăng vọt và chưa giảm sau khi mấp mé ngưỡng 10% trong suốt 17 tháng qua.
Quyết định của FED ngay lập tức đã có tác động đến các thị trường tài chính tiền tệ. Thị trường chứng khoán đi lên chứng tỏ giới đầu tư rất tin tưởng vào tương lai của các doanh nghiệp Mỹ. Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp đã bắt đầu làm ăn có lãi trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại rất cao (9,6%). Theo các chuyên gia, tỷ lệ thất nghiệp này còn lâu mới xuống tới mức 5 - 6% như trước năm 2007. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền và cuộc sống của nhiều người dân, chứ không chỉ mang lại niềm vui cho các nhà đầu tư như chứng khoán.
Quyết định của FED cũng làm cho giới đầu tư ngày càng thêm lo ngại về bóng ma lạm phát. Kể từ khi kinh tế Mỹ rơi vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 80 năm qua vào năm 2008, FED đã phải hạ lãi suất xuống gần mức 0% và bơm hàng tỷ USD vào thị trường. Đây là lần thứ hai FED quyết định mua trái phiếu chính phủ sau động thái tương tự nhằm mua 1.700 tỷ USD trái phiếu chính phủ trong giai đoạn từ tháng 12-2008 đến tháng 3/2010.
“Lợi bất cập hại”
Liệu nỗ lực bơm tiền của FED có thực sự hiệu quả trong việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ chống chọi với khủng hoảng?
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng động thái của FED là phù hợp để tạo đà hồi phục cho kinh tế Mỹ, song số khác lại cho rằng quyết định của FED có thể châm ngòi cho những rủi ro tiềm ẩn như tạo ra một bong bóng khác.
Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế của Viện Brookings, Karen Dynan, cho rằng kế hoạch của FED có thể thúc đẩy nền kinh tế, song không phải là giải pháp có thể khắc phục tất cả những khó khăn hiện nay. Còn nhà kinh tế trưởng Olivier Blanchard của FED coi hành động của FED là "hết sức can đảm". Trả lời Đài phát thanh Europe 1 của Pháp, ông nêu rõ chưa bao giờ FED tung ra đợt nới lỏng có định lượng với quy mô lớn như thế, trong khi chưa rõ liệu nó có tác động tích cực tới nền kinh tế hay không.
Trong khi đó, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz cho rằng, quyết định của FED là "lợi bất cập hại". Điều nước Mỹ cần nhất lúc này là các chính sách kích thích tài khóa thứ hai, chứ không phải là bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Robert Johnson, giám đốc cơ quan phân tích kinh tế độc lập Morningstar, cũng cho rằng việc FED tiếp tục nới lỏng tiền tệ là sai lầm. Hãng Bloomberg dẫn lời bảy chuyên gia kinh tế nhận định lạm phát Mỹ sẽ vượt mức 2% trong năm 2012… do quyết định của FED bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế khác cảnh báo quyết định của FED có nguy cơ dẫn đến bong bóng tài sản và làm mất ổn định đồng USD hoặc làm gia tăng các căng thẳng tỷ giá tiền tệ ở những quốc gia khác.
Đài “Tiếng nói Hoa Kỳ” dẫn lời nhà kinh tế Uwe Parpart của hãng Cantor Fitzgerald nhận định khi nền kinh tế Mỹ tràn ngập đồng USD, số tiền này sẽ tìm đến cổ phiếu tại châu Á: từ Hong Kong, Thái Lan đến Indonesia.
Ông Parpart cho rằng USD rẻ tràn vào châu Á với khối lượng lớn “không chỉ đẩy lạm phát gia tăng” mà còn tạo ra nhiều nguy cơ “những gì đến nhanh cũng có thể sẽ bị rút nhanh”. Chuyên gia Parpart cho rằng châu Á cần “khắc cốt ghi tâm” bài học quá khứ, khi dòng tiền giá rẻ giữa thập niên 1990 tràn vào khu vực tạo ra bong bóng, dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 1997, khi các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút tiền về nước.
(VNN/ Tầm nhìn)