KỶ NIỆM 89 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21-6-1925 – 21-6-2014)

Những trái tim cháy lên cùng chủ quyền Tổ quốc

Họ đã đến nơi nóng bỏng nhất - Hoàng Sa để truyền tải cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ cho sự thật, vạch trần sự ngang ngược của những mưu đồ đen tối. Những dòng tin họ mang về đã làm cả trăm triệu con tim nước Việt thổn thức cùng Tổ quốc suốt gần hai tháng qua.

Pháp Luật TP.HCM xin ghi lại ý chí, tình cảm “của những chiến sĩ thông tin” đã có mặt ở khu vực Trung Quốc (TQ) đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

1. Đi Hoàng Sa bằng cảm xúc của một công dân

Những trái tim cháy lên cùng chủ quyền Tổ quốc ảnh 1
 
Tôi cùng 18 phóng viên được lên chuyến tàu KN 9226, chuyến đầu tiên chở phóng viên ra điểm nóng Hoàng Sa. Sự thật là khi bước lên tàu, chúng tôi không chỉ có cảm xúc nghề nghiệp mà cao hơn cả là cảm xúc của một công dân. Bởi không chỉ nhà báo mà tất cả người Việt Nam, những ngày này đều mong muốn có mặt ở Hoàng Sa, chứng kiến và góp sức vào cuộc đấu tranh cam go giữ chủ quyền.

Cảm xúc của một công dân đã giúp chúng tôi làm tốt hơn trọng trách của một nhà báo, không chỉ gắng vượt qua những trở ngại về điều kiện tác nghiệp mà cảm xúc ấy làm cho trách nhiệm trong từng bản tin cũng cao hơn. Bởi ai cũng hiểu, mỗi bản tin, tấm ảnh gửi về đất liền không chỉ là một sản phẩm báo chí mà còn là một công cụ đấu tranh minh chứng chủ quyền trên mặt trận truyền thông. Các bản tin giúp bạn đọc ở đất liền và bạn bè thế giới hiểu đúng đắn về câu chuyện ở Hoàng Sa những ngày nóng bỏng này.

Những trái tim cháy lên cùng chủ quyền Tổ quốc ảnh 2

Các phóng viên ra tác nghiệp tại điểm nóng Hoàng Sa cùng ký tên vào lá cờ Tổ quốc với quyết tâm đồng lòng bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Ảnh: NGUYỄN Á

Cảm xúc ấy cũng làm cho câu chuyện tác nghiệp ở Hoàng Sa khác với rất nhiều những đợt tác nghiệp thời sự khác của các phóng viên. Lợi ích của tờ báo, của riêng mỗi phóng viên đã được gác lại. Nhiều phóng viên đã sẵn lòng chia sẻ điện thoại vệ tinh cho nhau để truyền tin về đất liền. Nhiều tấm ảnh, clip đắt giá về sự hung hãn của tàu TQ cũng được phóng viên Việt Nam chia sẻ lại cho phóng viên quốc tế… để giúp thế giới hiểu rõ và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giữ chủ quyền ở Hoàng Sa. Tôi vẫn nhớ, phóng viên Lê Phi của báoPháp Luật TP.HCM là người đã quay được clip tàu hải cảnh TQ đâm vào tàu CSB 4033 của Việt Nam. Clip này sau đó đã được Phi cung cấp cho các đồng nghiệp ở VTC, rồi trên đường trở về đất liền Lê Phi đã chia sẻ lại clip này cho nhiều tờ báo và hãng tin quốc tế. Để sau đó, hình ảnh hung bạo của tàu TQ đã được đăng tải trên nhiều trang tin như BBC, Bloomberg, Wall Street...

Chuyến công tác ra Hoàng Sa chỉ kéo dài hơn một tuần, đó sẽ là một mốc đáng nhớ trong hành trình làm báo. Và chúng tôi - những phóng viên đã được ra Hoàng Sa muốn gửi lời cảm ơn các đồng nghiệp đã nhường chuyến tác nghiệp đặc biệt này cho mình.

Phóng viên Viễn Sự, báo Tuổi Trẻ, một trong những phóng viên đầu tiên ra điểm nóng Hoàng Sa

2. Luôn trong tư thế sẵn sàng hoạt động

Những trái tim cháy lên cùng chủ quyền Tổ quốc ảnh 3
 
Trưa 27-5, tôi và 29 phóng viên khác có mặt ở vùng biển Hoàng Sa. Ngày 1-6, tàu CSB 2016 trong khi phá vòng vây cho tàu kiểm ngư đã bị tàu TQ to gấp đôi bao vây, phun vòi rồng rồi bất ngờ rượt đuổi, đâm trúng mạn phải, làm tàu chao nghiêng khoảng 40 độ và thủng bốn lỗ. Lúc đó các anh cảnh sát biển, kiểm ngư không hề nao núng mà luôn bình tĩnh xử lý tình huống. Mặc dù đã được trấn an nhưng nỗi sợ vẫn bao trùm lên anh em phóng viên vì ai cũng lần đầu gặp trường hợp này. Thế nhưng trên boong tàu, Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, chính trị viên của tàu vẫn kiên cường bám trụ để ghi lại những hình ảnh, thước phim chứng tỏ thái độ hung hăng của TQ (thước phim đã được phát trên VTV ngay tối hôm đó làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế - NV). Hình ảnh người lính biển kiên cường đối diện với hiểm nguy ngay lập tức đã trấn tĩnh anh em phóng viên.

Trong nhiều ngày tiếp theo, hình ảnh ấy luôn là động lực thúc giục chúng tôi phải liên tục truyền về đất liền những tư liệu quý giá ở điểm nóng Hoàng Sa. Cảm giác tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa luôn ở trong tư thế sẵn sàng hoạt động. Tôi nhớ phóng viên báoinfonetsay sóng suốt tám ngày không nuốt nổi một hạt cơm, phải ăn cháo loãng để cầm cự. Thế nhưng khi có sự cố, anh liền bật dậy cầm camera lên ngay đài chỉ huy cập nhật tin tức.

Ngày 7-6, tàu CSB 4032 tiếp cận 30 tàu ngư dân, trong số đó tôi thấy có cả những ông cụ đầu bạc, hom hem 60, 70 tuổi... Khi tàu CSB vừa rút đi thì khoảng 70 tàu TQ dàn hàng ngang tới uy hiếp tàu ngư dân của ta. Trước thái độ gan dạ của các ngư dân, tàu TQ bỏ đi. Nhìn thấy những ngư dân quả cảm luôn đồng hành với cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, chúng tôi rất cảm phục. Bằng cách này hay cách khác, sự hiện diện lặng thầm của những con tàu nhỏ bé, thô sơ trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là minh chứng chân thực nhất cho lòng yêu nước sâu sắc của mỗi ngư dân Việt Nam.

Phóng viên TRUNG HIẾU, báo Thanh Niên, người có mặt trên
tàu CSB 2916 bị tàu TQ cố tình đâm thủng ngày 1-6

Tôi đi cùng Tổ quốc những ngày tháng 5 nóng bỏng

Chứng kiến những hình ảnh về lối hành xử bạo ngược của tàu TQ được công bố tại buổi họp báo lần đầu của Bộ Ngoại giao về tình hình biển Đông, tim tôi như sôi lên sùng sục. Tôi khát khao làm sao để lao thật nhanh tới vùng biển Hoàng Sa lúc ấy cùng chung sức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.

Khi có tên trong danh sách phóng viên đầu tiên ra Hoàng Sa tác nghiệp, tôi đã không còn khao khát điều gì hơn thế trong đời làm báo của mình. Là chuyến đi đầu tiên nên chúng tôi không lường trước hết chuyện gì sẽ chờ đợi mình ở phía trước. Thậm chí chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần “chấp nhận thương vong”. Nhưng tâm trạng tôi khi ấy như lịch sử đang gọi tên và đang trao trọng trách cho mình - những “chiến sĩ” trên mặt trận thông tin.

Ra “điển nóng” Hoàng Sa đối đầu với tàu chiến, máy bay của TQ hung hãn. Lần đầu tiên chúng tôi trực diện nhìn thấy họng pháo, súng ống và vòi rồng chực chờ để tấn công mình. Có khi 3-5 tàu TQ tấn công như muốn nhấn chìm tàu chúng tôi. Nhưng ở Hoàng Sa không có chỗ cho nỗi sợ hãi. Khi ôm lấy máy ảnh chúng tôi lại rơi vào “trạng thái chiến đấu” mà ở đó không còn một vấn vương gì. Chúng tôi như những chiến binh và máy ảnh là vũ khí. Cứ thế lao ra boong ke, gác máy ảnh lên lan can, nằm soài nơi bậu cửa… mà bấm máy. Khoảng khắc đó, tên lửa, họng pháo, súng máy, vòi rồng, đâm húc… chỉ là thứ vô hình. Bởi trong chúng tôi đã không còn là một phóng viên với trách nhiệm nghề nghiệp mà chúng tôi đã là một chiến sĩ cùng chung sức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

Những ngày ở Hoàng Sa, tôi được sống, được tác nghiệp, được viết, được hít thở… và nếm từng giọt mặn từ nước biển Hoàng Sa. Được gắn kết tâm hồn mình với tiên tổ đã vượt giông bão biển Đông ra khẳng định chủ quyền đất nước. Được ngắm bình minh, đón hoàng hôn và nhìn bóng trăng tròn dần lên cao trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. Những lúc ấy, tiếng Tổ quốc lại vọng về theo những con sóng bạc của biển Hoàng Sa thiêng liêng.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm