Rác vũ trụ đe dọa con người sống trên mặt đất ít vì đã có lá chắn tự nhiên là bầu khí quyển trái đất. Nếu ở trong không gian vũ trụ mênh mông, rác vũ trụ di chuyển với vận tốc cả chục ngàn km/giờ thì khi rớt xuống mặt đất nó đã bị sức cản của bầu khí quyển giảm tốc xuống dưới 1.000 km/giờ. Một điều may mắn nữa đối với con người là phần lớn nó rớt xuống biển. Chưa có tiền lệ nào cho thấy có người chết hoặc bị thương nặng vì bị rác vũ trụ “oanh kích”.
Hai lần sơ tán ISS
Các nhà du hành vũ trụ ở độ cao ngang bằng với rác vũ trụ mới thực sự có nhiều lý do để lo lắng nhiều hơn những người sống trên mặt đất. Với vận tốc từ 25.200 km/giờ đến 28.800 km/giờ, một mảnh rác cỡ vài cm cũng có thể “đánh gục” một vệ tinh nhân tạo và làm hư hại ISS vì các vật này cũng bay với tốc độ kinh khủng tương tự. Sinh mạng của các nhà du hành trên ISS từng bị đe dọa nghiêm trọng và không hiếm trường hợp “sợ mất vía”.
Trường hợp ngày 27-6 nói trên là một ngoại lệ. Do phát hiện muộn không đủ thời gian điều chỉnh quỹ đạo trạm để né, 6 nhà du hành - bao gồm 3 người Nga, 2 người Mỹ và 1 người Nhật - đang làm việc trên trạm đã được lệnh từ mặt đất sơ tán qua tàu vũ trụ Soyuz đang neo bến ISS.
Tàu vũ trụ Soyuz của Nga dùng để chở các nhà du hành quốc tế lên xuống ISS theo định kỳ. Nó cũng được dùng như phao cứu sinh cho các nhà du hành trong những trường hợp khẩn cấp.
Giữa tháng 3-2008 cũng từng xảy ra một trường hợp sơ tán khẩn cấp y như thế. Nguyên nhân, theo NASA, cũng không có gì khác: phát hiện đường bay của rác quá trễ. Báo hại 2 nhà du hành Mỹ và 1 nhà du hành Nga phải cấp tốc tạm trú trong tàu vũ trụ Soyuz TMA-13 gần 10 phút trước khi quay trở lại ISS.
“Sát thủ” được NASA xác định là mảnh vỡ của tên lửa Delta hay tàu con thoi của Mỹ dài khoảng 1 cm. Tuy “nhỏ con” nhưng sức tàn phá của nó được xác định rất khủng khiếp. Nếu chẳng may, “cánh mặt trời” – tấm panel chứa các thiết bị chuyển năng lượng mặt trời thành điện cung cấp cho trạm - bị nó làm hư hỏng thì ISS sẽ lâm nguy.
Trước sự cố nói trên chừng một tháng, đã xảy ra một vụ va chạm giữa một vệ tinh viễn thông Mỹ và một vệ tinh Cosmos của Nga trên bầu trời Siberia. Đây là một tai nạn hy hữu vì theo tính toán của các chuyên gia, nó chỉ xảy ra với tỉ lệ 1/triệu hoặc 1/tỉ lần.
Theo đài BBC, chiếc vệ tinh viễn thông Mỹ US Iridium 33 đã đâm trực diện chiếc Cosmos 2251, vốn là vệ tinh do thám của Nga bị cho về vườn. Vụ va chạm này đã tạo ra 2 đám mây rác vũ trụ làm gia tăng “dân số” rác vũ trụ đáng kể.
Đó cũng là lý do khiến Trung tâm Kiểm soát ISS nhanh chóng chọn giải pháp an toàn nhất là cho các nhà du hành lánh nạn trên tàu Soyuz trong tư thế sẵn sàng “bỏ của (ISS) chạy lấy người”.
Máy bay cũng suýt chết
Bay trên cao và sống chung với rác vũ trụ thường gặp rủi ro như thế. Bay thấp hơn rất nhiều nhưng phi công lái máy bay dân dụng cũng từng lên ruột nhiều lần. Trong một vụ thoát hiểm kỳ lạ cách đây 5 năm, chiếc máy bay Airbus A340 của Hãng Hàng không Lan Chile suýt bị rác vũ trụ đâm trúng.
Theo nhật báo Úc Sydney Morning Herald, ngày 27-3-2007, chiếc Aibus nói trên đang bay từ Santiago (Chile) đến Auckland (New Zealand) thì phi công thấy trước mũi máy bay một mảnh rác rực lửa xẹt ngang chỉ cách 9 km và một mảnh rác khác cũng bốc lửa ngùn ngụt bay sau đuôi máy bay.
Trong băng ghi âm cuộc đàm thoại giữa phi công và trạm kiểm soát không lưu ở Trung tâm Đại dương Auckland, người ta nghe rõ báo cáo của phi công: “Tiếng rít của 2 mảnh rác vũ trụ còn lớn hơn tiếng động cơ máy bay”.
Tuy nhiên, do chiếc vệ tinh rơi sớm hơn dự kiến, các mảnh vỡ của vệ tinh Nga lại “oanh kích” trong đêm 27-3 khiến các phi công Chile lên ruột. Chiếc Airbus sau đó đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Auckland lúc 3 giờ 55 phút ngày hôm sau.
Kỳ tới: Nan giải chuyện xử lý