Theo đó, người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà tại Việt Nam. Ngoài một ít ràng buộc (như phải mua nhà thương mại với giá cao, việc sở hữu có thời hạn), người nước ngoài hầu như có đầy đủ các quyền về nhà ở như người Việt Nam trong nước.
Nếu giới kinh doanh bất động sản tỏ ra hồ hởi với các nội dung này thì nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội lại băn khoăn. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) mang nỗi lo: “Trung Quốc đang thực hiện chủ trương biên giới “mềm”, nếu không tính toán chặt chẽ thì Việt Nam sẽ đón nhận một làn sóng ồ ạt của người Trung Quốc sang định cư”. Băn khoăn của ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cũng nhận được nhiều chia sẻ ở chỗ “dự thảo quá lỏng khi quy định người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam không hạn chế số lượng”...
Thực ra chuyện mua nhà của người nước ngoài không hề mới. Trong năm năm (2009-2013), Nghị quyết số 19/2008 của Quốc hội đã cho phép thí điểm việc bán nhà cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Bấy giờ, chỉ có bốn đối tượng cá nhân nước ngoài được mua nhà. Gồm có người trực tiếp đầu tư hoặc được doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê làm quản lý; người có công đóng góp cho Việt Nam được tặng thưởng huân chương, huy chương…; người đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội có trình độ đại học hoặc có kiến thức, kỹ năng đặc biệt; người kết hôn với công dân Việt Nam. Về điều kiện thì phải cư trú tại Việt Nam từ một năm trở lên. Về loại nhà thì chỉ được mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại... Riêng về quyền sở hữu nhà thì có những hạn chế đáng kể so với người Việt Nam trong nước. Chẳng hạn: Tại một thời điểm chỉ được sở hữu một căn hộ chung cư; không được sở hữu nhà ở riêng lẻ (biệt thự, nhà liền kề); không được cho thuê hoặc góp vốn bằng nhà; chỉ được bán lại sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy sở hữu; thời hạn sở hữu là 50 năm.
Trong báo cáo kết quả thí điểm, Bộ Xây dựng cho rằng chính vì những quy định có phần “ngặt nghèo” nêu trên mà tính đến hết quý II-2013 cả nước chỉ có 126 trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài mua nhà (trong đó cá nhân chiếm khoảng 80% và chủ yếu là người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam trong nước). Trước con số khiêm tốn ấy, bộ này đã có nhiều đề xuất nới rộng nhằm “thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường…”.
Từ lý do này, nếu Luật Nhà ở năm 2005 chỉ đưa ra hai nhóm đối tượng được quyền sở hữu nhà (là tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà để cho thuê hoặc để bán) thì nay với dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, sự “cởi mở” đã rõ hơn rất nhiều. Ngoài việc bổ sung đối tượng được sở hữu nhà là người được phép nhập cảnh vào Việt Nam, dự thảo còn bỏ các “rào cản” về loại nhà, số lượng, thời hạn cư trú, tức từ chỗ “đóng khép” chuyển sang “thả cửa”.
“Chả có nước nào hạn chế người nước ngoài mua nhà cả…” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông đã lưu ý vậy tại phiên thẩm tra sơ bộ dự án vào đầu tháng 3-2014. Đúng là như thế nhưng các nước vẫn có những cách kiểm soát, quản lý của họ. Chẳng hạn, quy định số lượng người nước ngoài không được vượt quá 25% cư dân trong một đơn vị hành chính; không thành lập những khu đô thị thuần túy của người nước ngoài…
Mở rộng là tất yếu nhưng đến mức nào, mở toang hay mở dần và dần ra sao là điều rất cần được xem xét thấu đáo. Vậy ta có nên làm như các nước hay có cách nào khác hay hơn để có thể nới quyền mua nhà của người nước ngoài cho phù hợp thực tiễn, đồng thời ngăn chặn được những hệ lụy, tiêu cực phát sinh ắt có?
THU TÂM