Tại hội thảo “Tương lai nào cho người lao động – nhìn từ góc độ an toàn tài chính và an sinh xã hội?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 10-6, Tiến sĩ Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đánh giá dịch bệnh COVID-19 trong hai năm qua đã gây rất nhiều khó khăn cho người lao động trong việc tìm kiếm thu nhập lẫn việc làm. Điều này khiến người lao động buộc phải rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nhằm có tiền chi tiêu cho cuộc sống.
Theo tiến sĩ Long, năm 2021, qua khảo sát nhóm người 30 đến 40 tuổi, nhóm chiếm tỉ trọng cao nhất trong dân số Việt Nam thì có hơn 30% có tiết kiệm và đầu tư nhưng thu nhập chính vẫn dựa vào tiền công, tiền lương.
Tuy nhiên, nhóm này cũng rất dễ gặp rủi ro về việc mất thu nhập một khi mất việc. Hậu COVID, có 80% người lao động bị giảm thu nhập, trong đó có 60% giảm từ 20 - 30% so với trước dịch.
"Qua các khảo sát, chúng tôi nhận thấy độ tuổi rút BHXH một lần ở Việt Nam ngày càng trẻ hoá, trung bình dưới 40 tuổi và hầu hết ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Một nghiên cứu từ năm 2016 đến nay, đặc biệt là 2 năm trở lại đây thì đã có đến 4,8 triệu người rút BHXH một lần" - tiến sĩ Long nói.
Theo các chuyên gia, cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người dân hiểu rõ vấn đề rút BHXH một lần. Ảnh: Phương Minh |
Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết các nghiên cứu đã phác hoạ ra thực trạng đáng lo ngại là có 11% công nhân lao động thường xuyên phải vay tiền để sinh hoạt hằng tháng, 36% số công nhân lao động thỉnh thoảng phải vay tiền để chi tiêu sinh hoạt, khám chữa bệnh…
Mặt khác, công nhân lao động làm việc với cường độ cao, kéo dài nhưng tiền lương không cao. Thực tế, nếu công nhân không làm thêm giờ thì không đủ sống, tương lai bấp bênh.
Trên bối cảnh này đã dẫn đến việc người lao động phải rút BHXH một lần dù biết sẽ thiệt thòi về sau do cuộc sống quá khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vì lo ngại chính sách BHXH thay đổi trong tương lai.
"Cần có công tác tuyên truyền đúng đắn cho người lao động để hiểu rõ vấn đề rút BHXH một lần. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thay đổi chính sách để đảm bảo an sinh, việc làm cho người lao động trong thời gian tới thì mới giảm đi việc rút BHXH một lần" - ông Tiến nói.
Theo các chuyên gia, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần và thu hút người lao động tham gia BHXH để hưởng lương hưu thì thì nên xem xét giảm thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu xuống 15 năm. Bổ sung các quyền lợi để gia tăng sự hấp dẫn thu hút người lao động tham gia BHXH; xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng...