Nơi mở rộng vòng tay đón tàu thuyền mỗi khi biển 'thét gào'

(PLO)- Cuộc sống lênh đênh giữa đầu sóng ngọn gió khiến ai nấy cũng khắc khổ, nhưng gặp lại nhau ai nấy cũng nở nụ cười thật tươi…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Nơi mở rộng vòng tay đón tàu thuyền mỗi khi biển 'thét gào'

Tại vùng biển Vịnh Hạ Long, khu vực đường bao biển thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, từ khi biết tin bão số 1 sắp kéo tới, hàng trăm tàu thuyền của bà con ngư dân đã quây quần về đây để neo đậu tránh bão.

Ở khu vực này, những mỏm núi đá nhấp nhô hình cánh cung như bức tường vững chắc bao bọc, bảo vệ cho thuyền của ngư dân được an toàn mỗi khi có dông bão.

Tình hình mưa lớn còn phức tạp

Trưa ngày 18-7, lãnh đạo tỉnh TP Hạ Long cho biết, đến thời điểm hiện tại 100% tàu thuyền của thành phố đã về nơi trú ngụ an toàn. Trên địa bàn TP Hạ Long ở khu vực vịnh và biển có chín điểm neo đậu với khoảng gần 1.400 tàu các loại.

Đài khí tượng thủy Quảng Ninh cho hay hồi 10 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 108,4 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 60 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88 km/giờ), giật cấp 11.

Nhiều tàu thuyền vào bờ neo đậu để tránh bão ở TP Hạ Long. Ảnh: PHI HÙNG

Nhiều tàu thuyền vào bờ neo đậu để tránh bão ở TP Hạ Long. Ảnh: PHI HÙNG

Do ảnh hưởng của bão số 1, tại vùng biển Cô Tô, Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà có gió cấp 4-5, giật cấp 6-7.

Chiều tối cùng ngày, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 1) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.

Hồi 19 giờ, vị trí vùng áp thấp ở vào khoảng 22,2 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, suy yếu và tan dần. Tình hình mưa lớn ở tỉnh Quảng Ninh còn phức tạp.

An toàn mới là trên hết

Vài ngày nay khi nghe tin bão số 1 số kéo tới, các ngư dân của làng chài Hà Phong, TP Hạ Long đã gác lại công việc dang dở ngoài biển khơi để cho tàu trở về đậu, bởi theo họ an toàn mới là trên hết.

Những chiếc tàu, thuyền của ngư dân xếp thành từng tốp, san sát, nối nhau để khi có bão, sóng gió cũng không lay chuyển nổi.

Chúng xích lại gần nhau như tăng thêm “tình làng, nghĩa xóm” cho những chủ nhân phía trên, vì lâu rồi họ không có thời gian quây quần, hỏi thăm, động viên nhau.

Các ngư dân cho biết, dù đang dở dang công việc nhưng nghe tin có bão họ phải quay về để đảm bảo an toàn. Ảnh: PHI HÙNG

Các ngư dân cho biết, dù đang dở dang công việc nhưng nghe tin có bão họ phải quay về để đảm bảo an toàn. Ảnh: PHI HÙNG

Cuộc sống lênh đênh giữa đầu sóng ngọn gió khiến ai nấy cũng khắc khổ, nhưng gặp lại nhau ai nấy cũng nở nụ cười thật tươi để lộ hàm răng trắng muốt tương phản với màu da đen nhẻm của mình.

Dù năm nay đã 66 tuổi, nhưng ông Nguyễn Văn Toàn vẫn cặm cụi bám biển ra khơi, ông bảo: “Có bữa dăm hôm, bữa thì chục ngày, khi thì cả nửa tháng trời mới về đất liền. Ở làng chài này ai cũng vậy, từ già tới trẻ, từ thanh niên đến phụ nữ, tất cả đều trông chờ vào biển để mưu sinh”.

Theo ông Toàn, hiện nay các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phát triển nên việc cập nhật tình hình mưa bão được thuận lợi hơn trước rất nhiều. Do đó, người dân có thể kịp thời từ biển khơi trở về bão để tránh bão an toàn, không để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.

Anh Thông cho biết, tàu của gia đình anh vừa trở về hôm qua để neo đậu tránh bão. Ảnh: PHI HÙNG

Anh Thông cho biết, tàu của gia đình anh vừa trở về hôm qua để neo đậu tránh bão. Ảnh: PHI HÙNG

Theo nghề “gia truyền” từ thời ông bà để lại, anh Dương Văn Thông (27 tuổi) cho biết, thuyền của cha con anh hôm qua mới cập bến neo đậu để tránh bão.

Anh Thông chia sẻ, mỗi lần ra khơi, gia đình anh thường đi khoảng nửa tháng mới về. Tất cả những đồ sinh hoạt như nước ngọt, muối, mắm… đều phải được chuẩn bị trước.

“Vất vả lắm, mỗi chuyến đi ra khơi cách đất liền từ 20 đến 30 hải lý, nếu "trúng" thì được ba đến bốn tạ cá để đem về bán mới có đồng ra đồng vào mà lo cho gia đình trang trải cuộc sống. Cứ đến mùa mưa bão là tôi lại lo, bởi không ra khơi thì không đánh bắt được.

Để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi dài ngày, trên tàu luôn được trang bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, dụng cụ sinh hoạt cần thiết. Ảnh: PHI HÙNG

Để chuẩn bị cho mỗi chuyến đi dài ngày, trên tàu luôn được trang bị đầy đủ các nhu yếu phẩm, dụng cụ sinh hoạt cần thiết. Ảnh: PHI HÙNG

Đợt này bão có phần không dữ như những năm trước, nên gia đình tôi và mọi người nơi đây cũng yên tâm phần nào, hy vọng một vài ngày tới là có thể ra khơi trở lại” - anh Thông nói.

Nhưng cũng theo anh Thông, mỗi lần bão xong, sản lượng cá đánh bắt được sẽ bị giảm, vì biển động, sóng lớn sẽ đánh dạt các "chòm" cá lớn.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều bà con ngư dân sau bão.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm