Nói thật về khủng hoảng của ngành y tế

(PLO)- Trình Quốc hội ở thời điểm dịch COVID-19 và vụ kit test Việt Á phơi bày hàng loạt yếu kém, bất cập của ngành y tế nhưng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nhận nhiều đánh giá là chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cũng như nhiều đại biểu Quốc hội khác, bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) thẳng thắn bày tỏ sự chưa hài lòng của mình với dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Trao đổi với báo chí bên lề phiên họp ngày 13-6, bà giải thích quan điểm của mình:

"Chúng tôi chờ đợi sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh để tạo hành lang pháp lý, một môi trường thuận lợi hơn cho y tế nước nhà phát triển. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy điều đó trong dự thảo lần này.

Y tế dự phòng của chúng ta còn nhiều hạn chế nhưng còn các vấn đề khác ở cung ứng, điều trị - vốn cùng với dự phòng là ba chân kiềng của một hệ thống y tế hoàn chỉnh.

Hệ thống điều trị của chúng ta đang đối diện với những thử thách rất lớn, đặc biệt là môi trường cho các y bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế phát huy được hết chất xám của mình.

Chẳng hạn, về chứng chỉ hành nghề, vẫn tập trung rất nhiều vào tiền kiểm. Chuẩn hóa là cần thiết nhưng với mô hình Hội đồng y khoa như dự thảo thì giống hệ thống quản lý thu nhỏ của Bộ Y tế, Sở Y tế hiện hành, một dạng cơ chế xin-cho.

Trong khi đó đáng ra là hậu kiểm thì lực lượng thanh tra lại rất mỏng. TP.HCM tập trung nhiều cơ sở y tế từ công lập tới bệnh viện (BV), phòng khám tư nhân nhưng số thanh tra y tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vậy tại sao chúng ta không áp dụng mô hình như ở các nước tiên tiến và như trước đây đã làm: Phát huy vai trò của hội nghề nghiệp; giao quyền, trách nhiệm để người hành nghề giám sát lẫn nhau?

Hệ thống BV cũng vậy, gặp rất nhiều khó khăn. Tự chủ đấy nhưng là cách Nhà nước càng lúc càng giảm ngân sách, để BV tự thu, chi. Nhưng thu lại rất khó, vì giá dịch vụ, rồi các loại quỹ phải theo quy định.

Tự chủ nhưng về tổ chức lại không được tự quyết định nhân sự giám đốc. Chưa kể, giờ rất nhiều y bác sĩ chọn cách an toàn là không làm gì cả, không mua sắm, không đấu thầu…

Như thế thì đâu khuyến khích được sáng tạo, cuối cùng thiệt thòi là người bệnh".

Chạy theo thuốc, vật tư y tế giá rẻ: lợi và hại

. Phóng viên: Chúng ta đang đi đến bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và khám chữa bệnh BHYT là nguồn thu ngày càng lớn của các BV. Vậy bài toán tự chủ ở đây thế nào?

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan tại phiên thảo luận ngày 13-6. Ảnh: QH

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan tại phiên thảo luận ngày 13-6. Ảnh: QH

+ Bà Phạm Khánh Phong Lan: BV công lập đang tồn tại hai giá: Giá BHYT và giá dịch vụ tự nguyện. Chuyện này rất vô lý, không nước nào như thế. Nhà nước nên thống nhất một giá và trợ giá cho khám bảo hiểm để người dân được khám chữa bệnh chất lượng, còn BV được thu theo đúng chi phí thực tế.

Đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế cũng vậy, chúng tôi cực kỳ khổ sở. Chúng ta vẫn tìm mọi cách năm sau phải rẻ hơn năm trước. Thậm chí nơi này trúng thầu, ký hợp đồng rồi nhưng nơi khác trúng giá thấp hơn, lại phải áp theo. Nếu không thì bảo hiểm không thanh toán. Thử hỏi: Xăng tăng giá, mọi thứ tăng theo, vậy bảo hiểm có thanh toán không?

Chúng ta nhìn y tế công đâu cũng thấy tội phạm, trong khi lẽ ra phải nhận thức rằng mục tiêu cao nhất phải là người bệnh có thuốc, vật tư y tế đảm bảo chất lượng với giá hợp lý. Trong khi đó, ở các BV tư, tiền của họ, dịch vụ tự nguyện, rất đơn giản.

Cơ chế mua sắm thế này, thiệt hại nhất là nhân lực. Bác sĩ, nhân viên y tế đâu phải được đào tạo về đấu thầu, vì cơ chế ấy mà bận rộn với đủ thứ chi tiết, làm sao chăm lo cho chuyên môn nghề nghiệp. Chưa kể, làm sai thì bị bắt.

Tôi không ủng hộ chuyện tiêu cực. Ai tiêu cực, nhận tiền, vụ lợi thì phải chịu trách nhiệm nhưng cũng phải xem xét bây giờ chúng ta đã tạo môi trường để cho người ta phát huy y đức được hay chưa.

. Thuốc, vật tư y tế theo cách quản lý như thế này thì rẻ nhưng chất lượng, hiệu quả cần tính toán thế nào?

Hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế rất khác việc sử dụng tài sản công một cách đơn thuần như ô tô, trụ sở cơ quan. Đây là vấn đề của thương hiệu, chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhân lực y tế… Vậy nhưng dự thảo lại có nội dung “thực hiện theo quy định của pháp luật về tài sản công” là không phù hợp.

Để thiết kế khung pháp lý cho hợp tác công tư này, trước tiên phải tư duy theo hướng thúc đẩy hợp tác. Chưa chi trong đầu đã toàn nghĩ tới những thứ xấu, nghi ngờ thì không thể làm quy định tốt được. Làm chính sách đối tác công tư trước hết phải dựa trên tư duy giả định đối tác là người tốt.

Đại biểu Quốc hội
PHAN ĐỨC HIẾU

+ Lợi bất cập hại nữa là chạy theo giá rẻ thì khó đảm bảo chất lượng. Chúng ta cho tới giờ chưa có nghiên cứu nào để chỉ ra rằng thuốc rẻ vậy thì liên quan thế nào tới thời gian điều trị, chất lượng khám chữa bệnh của bác sĩ. Liệu thuốc tốt thì có nhanh khỏi bệnh để đi làm ra của cải vật chất hơn là thuốc rẻ nhưng nằm viện lâu?

Chúng ta đừng nên tỉ mẩn danh mục thuốc Generic, cố gắng kéo giá nó thấp xuống, chứ thực ra tiết kiệm không được bao nhiêu. Thay vì thế, tại sao không mở cho thuốc tốt, độc quyền vào, đàm phán số lượng lớn để được giá hợp lý?

Cứ theo cách này, thuốc rẻ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị mà còn cản trở sự phát triển công nghiệp dược nước nhà. Vì người ta sẽ sản xuất thuốc theo bất cứ giá nào để chiếm lĩnh thị trường. Còn các công ty dược có thương hiệu, những sản phẩm uy tín thì chuyển sang xuất khẩu và mất dần thị trường phục vụ sức khỏe người dân mình.

Dược phẩm, dịch vụ y tế không nên chạy theo giá rẻ nhất, mà là hợp lý nhất.

Đơn giản hóa vấn đề đi...

. Các bất cập mà bà phân tích liên quan thế nào tới tình trạng nhân viên y tế đang bỏ, nghỉ việc hàng loạt?

+ Nguyên nhân đầu tiên là đãi ngộ. Đầu vào của y, dược là quá trình học, làm việc vất vả, căng thẳng, áp lực hơn rất nhiều các ngành khác nhưng đồng lương không khác gì cả, cơ hội thăng tiến cũng không.

Theo cách này, nhân viên y tế công lập sẽ bỏ hàng loạt ra hệ thống tư nhân. Mà y tế công lập nhằm phục vụ bình dân, người nghèo. Chảy máu chất xám thế này thì người nghèo, người yếu thế, người chỉ có điều kiện khám BHYT là thiệt thòi nhất, hưởng dịch vụ hạng hai.

Chậm sửa đổi ngày nào, hệ thống y tế càng bị bào mòn và người dân sẽ phải trả giá.

. Vừa rồi, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Liệu có giúp ngành y tế yên tâm hơn?

+ Vấn đề là phải làm sao để người ta có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được, chứ đấu thầu còn rất nhiều vấn đề.

Theo tôi, cái gốc là làm sao cán bộ y tế yên tâm công tác, sau đó bớt phiền hà, mập mờ, túi này túi kia. Chứ còn người ta đã có ý vi phạm thì sẽ có trăm phương ngàn kế. Phải đột phá từ trên xuống, về thể chế, về chính sách. Bằng không, việc đang xảy ra sẽ tiếp tục, năm sau vẫn vậy.

Những vấn đề này, nội dung này tôi đã góp ý từ những khóa trước và cũng đã nói rất nhiều rồi. Lĩnh vực khác chưa thấy trả giá ngay, chứ ngành y tế, cứ người nhà hay bản thân chúng ta vào BV giờ, từ những vật tư y tế đơn giản nhất cũng phải tự đi mua thì còn ra thể thống gì nữa.

Hệ thống BV có đó, y bác sĩ lành nghề có đó nhưng không vận hành để phục vụ người dân được, trong khi không phải ai cũng có điều kiện để dùng dịch vụ tư nhân hay ra nước ngoài.

Đơn giản hóa vấn đề đi. Tại sao mình cứ làm khác người? Y tế là ngành kỹ thuật trước khi nó mang yếu tố chính trị, y đức… BV muốn có thương hiệu thì bác sĩ phải giỏi. Nhưng bác sĩ giỏi thì cũng phải dựa trên trang thiết bị hiện đại và thuốc tốt thì mới làm được.

Tất cả cái đó không mua được bằng khẩu hiệu, không mua được bằng những mệnh lệnh hành chính, mà chúng ta phải tạo môi trường pháp lý khoa học, an toàn.

. Xin cám ơn bà.

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM:

Liên doanh, liên kết trong bệnh viện công là đặc thù Việt Nam

Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội cũng như anh em các BV rất quan tâm là xã hội hóa và liên doanh, liên kết trong BV công.

Về xã hội hóa, đến giờ phút này chúng ta mới có 318 BV, 38.000 các phòng khám của tư nhân. “Mới có” vì mới đáp ứng 5,16% tổng số giường bệnh, một tỉ lệ rất thấp, mới bằng một nửa mục tiêu đề ra. Chuyên gia nước ngoài nói trong 10-20 năm nữa, ta phải nâng tỉ lệ này lên 25% tổng số giường bệnh trên cả nước. Vậy cần phải có các giải pháp để phát triển mạnh mẽ hơn.

Quản lý giá thì công hay tư cũng phải quản lý. Ta không buông lỏng nhưng cũng phải trao quyền tự chủ để y tế tư nhân được phát triển tốt hơn.

Về liên doanh, liên kết trong BV công thì đây là đặc thù Việt Nam, khó có kinh nghiệm quốc tế nào để áp dụng. Mô hình này đang thực sự giải quyết bài toán của Việt Nam trong thời gian vừa qua nhưng tới đây luật pháp cũng cần quy định rõ hơn. Chìa khóa mà quốc tế khuyến nghị là chỉ có một cách, bắt tất cả công khai, minh bạch.

Đại biểu Quốc hội NGUYỄN CÔNG LONG (Đồng Nai):

CEO bệnh viện công đâu cứ phải giáo sư, tiến sĩ y khoa

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh trình Quốc hội lần này trong bối cảnh ngành y tế thực sự đang trải qua khủng hoảng. Lúc này, sự chia sẻ, động viên đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế là rất cần thiết.

Tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư, thiết bị y tế đang diễn ra nhiều nơi mà vì điều gì thì chúng ta đều rõ. Do vậy, việc sửa luật cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay của hệ thống y tế.

Nước ta là một trong số ít quốc gia vẫn áp dụng mô hình quản lý BV công trước hết phải là người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa, phòng đi lên. Tuy nhiên, họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành quản trị BV, dẫn tới hoạt động của BV công thiếu chuyên nghiệp.

Không phải đến khi hàng loạt lãnh đạo BV sai phạm bị xử lý hình sự thì ta mới thấy. Ngành y tế luôn có câu hỏi là người giỏi chuyên môn thì có nên làm quản lý? Khi ta nói điều này thì đều nhớ đến câu chuyện của GS Tôn Thất Tùng, xin thôi chức vụ lãnh đạo để chuyên tâm cho hoạt động khoa học. Gần đây là câu chuyện một giáo sư đã từ chối chức vụ giám đốc BV Hữu nghị Việt - Xô để chuyên tâm cho hoạt động chuyên môn.

Thử hình dung giáo sư, bác sĩ khi bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu chữa bệnh nhân thì đầu óc lại bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó, với vô số lợi ích, quan hệ chằng chịt, mà nếu không thắng nổi thì chuyện vào tù là sớm hay muộn.

Ngành y tế đã thấy rõ những bất hợp lý ấy. Nhiệm kỳ trước, Bộ Y tế đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, mà cùng với đó là tự chủ về tổ chức bộ máy. BV công sẽ có hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và các giám đốc điều hành. CEO đi thuê là nhà quản lý, điều hành chuyên nghiệp mà không cứ phải giáo sư, tiến sĩ y khoa.

Đột phá để nâng cao chất lượng, bảo đảm minh bạch và hiệu quả quản lý BV công, phù hợp với xu hướng chung của thế giới và quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng cho bác sĩ, đó là chăm sóc và chữa bệnh. Rất tiếc, những nỗ lực trên chưa có hiệu quả, do vấp phải hai rào cản chính là nhận thức và thể chế.

Về nhận thức, ai còn vấn vương về quyền hạn, lợi ích, “chiếc ghế” giám đốc thì những vụ việc vừa qua là bài học cảnh tỉnh. Còn về thể chế, nếu không đưa ra những nội dung sửa đổi, bổ sung vào dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể giải quyết được những bất cập lâu nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm