“Không phải chỉ có các quán karaoke, vũ trường mà các nhà hàng, tiệc cưới cũng là nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Tôi thấy nhiều nhà hàng, tiệc cưới chỉ có một cửa ra vào, bên trong chứa cả ngàn người. Chỉ cần hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau cũng đủ chết rồi chứ chưa cần cháy. Cuối năm đang là mùa cưới, đề nghị cảnh sát PCCC xử lý quyết liệt”. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã chỉ đạo như trên tại buổi thảo luận tổ vào chiều 6-12, trong kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM.
Đã có bảy người chết vì cháy
Trước đó, đại biểu (ĐB) Châu Trương Hoàng Thảo (quận 6) bày tỏ lo lắng: “Đến tháng 10-2016, TP đã xảy ra 269 vụ cháy, làm chết bảy người và bị thương 21 người, gây thiệt hại nặng về tài sản, đặc biệt là ở các doanh nghiệp. Cảnh sát PCCC cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát PCCC tại các công ty, doanh nghiệp… Ngoài ra, tôi cũng đề nghị tăng cường kiểm tra các quán karaoke, vũ trường, nhà hàng, điểm massage, khu vui chơi giải trí, tránh xảy ra những vụ cháy thương tâm như ở Hà Nội vừa qua. Tôi đề nghị phải xử nghiêm cá nhân, tổ chức gây ra các vụ cháy”.
Giải trình, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết năm qua đa số các vụ cháy xảy ra ở các điểm người dân vừa ăn ở, sinh hoạt vừa kinh doanh buôn bán.
“Sau vụ cháy quán karaoke làm chết 13 người ở Hà Nội, cơ quan chức năng nhận thấy TP.HCM cũng có nhiều điểm tương đồng, thậm chí nguy cơ cháy nổ còn cao hơn. Vì vậy, Cảnh sát PCCC TP đã chủ động tham mưu UBND TP tập trung kiểm tra an toàn cháy nổ tại các điểm vui chơi giải trí, nơi đông người. Karaoke, vũ trường chỉ là một loại hình. Các điểm vui chơi giải trí đông người, siêu thị, đền chùa cũng nằm trong diện kiểm tra trước, trong và sau tết Nguyên đán…” - ông Bửu nói.
Ông Bửu kêu gọi người dân cần nâng cao PCCC hơn và cho biết sắp tới Cảnh sát PCCC TP sẽ phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm cho người dân tốt hơn.
Các lãnh đạo TP.HCM trao đổi về những thành tựu đạt được cũng như những điều chưa được phát huy đúng mức của TP.HCM tại kỳ họp. Ảnh: TÁ LÂM
Chưa giải quyết được kẹt xe, ngập nước
Vấn đề ngân sách, kẹt xe, ngập nước… cũng được các ĐB quan tâm. ĐB Phạm Hiếu Nghĩa cho rằng tình hình ngập nước hiện nay vẫn là câu chuyện nóng, hễ cứ mưa là ngập trong khi kinh phí cho chống ngập thời gian qua là không ít.
Ông Nghĩa cho rằng về quy hoạch, TP.HCM đã có hai quy hoạch (quy hoạch 752: Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước mưa và quy hoạch 1547: Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP đã được phê duyệt từ năm 2001 và năm 2008) nhưng đến nay việc đầu tư quá ít so với quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, việc thực hiện chậm có nhiều nguyên nhân. Với quy hoạch 752 cần nguồn vốn lớn: Theo quy hoạch TP cần tới 179.000 tỉ đồng. Còn đối với quy hoạch 1547: Xây dựng hệ thống đê bao liên vùng cùng hệ thống cống kiểm soát triều lớn. Do đó, phải mời các tổ chức quốc tế phản biện, đặc biệt là Hà Lan. Hiện nay nguồn vốn cho các dự án trên đã có. Vì vậy tỉ lệ có thể đạt theo quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Công cũng cho rằng việc phải cắt giảm ngân sách của TP cũng sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện quy hoạch.
Nhiều cán bộ còn xa dân, ít đối thoại Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 3 HĐND TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được thì sức cạnh tranh của nền kinh tế TP còn thấp, tiềm năng và thế mạnh của TP chưa được phát huy đúng mức. Nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là hạ tầng, nhiều lĩnh vực rất lớn nhưng nguồn lực thì hạn hẹp. Nhiều bức xúc của người dân chưa được các cấp, các ngành, các đơn vị quan tâm giải quyết kịp thời, thấu đáo, một số vụ việc còn để kéo dài. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí kết quả chưa cao. Nhiều cán bộ còn quan liêu, xa dân, ít tiếp dân, ngại đối thoại với người dân… Đây là những cản trở cho sự phát triển của TP. Trước thực tế đó, bà Tâm cho rằng vì sự phát triển của TP, vì chất lượng sống của người dân cùng cả nước và vì cả nước, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Bà Tâm đề nghị tập trung các giải pháp huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, giải quyết có hiệu quả các vấn đề ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường… Dân chưa nhận được chế độ độc hại do ô nhiễm Đề cập đến bãi rác Đông Thạnh, ĐB Nguyễn Thị Thanh Thúy (Hóc Môn) phản ánh: “Từ năm 2003, chúng ta có chế độ hưởng 25.000 đồng/tháng cho người bị nhiễm độc hại từ bãi rác. Tuy nhiên, nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa nhận được chế độ đó. Cần giải quyết chế độ đã hứa với người dân”. Ngoài ra, ĐB Thanh Thúy cũng đề cập đến 74 cơ sở ô nhiễm trên địa bàn TP, trong đó có 19 cơ sở ô nhiễm nghiêm trọng. ĐB Thúy đề nghị phải có giải pháp cụ thể và trả lời cho người dân biết thời gian di dời (vấn đề này, hôm nay trong phiên thảo luận hội trường các cơ quan chức năng sẽ có giải trình). |