Nộp 1 tỉ 'nâng điểm' nhưng không có người đưa, nhận hối lộ

VKSND tỉnh Sơn La mới đây đã ra bản cáo trạng, chuyển tới TAND tỉnh Sơn La để tòa lên kế hoạch xét xử đối với vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018.

Tám bị can cùng bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến (cựu PGĐ Sở GD&ĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục), Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục).

Ngoài ra, bị can Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) và Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Sơn La) cũng bị truy tố ra tòa.

Các bị can trong vụ án gian lận điểm thi tại Sơn La.

44 thí sinh được nâng điểm ra sao?

Cáo trạng khẳng định tám bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao với động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác (vì mối quan hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...) câu kết với nhau thực hiện hành vi rút bài thi trắc nghiệm sửa, nâng điểm; in khóa phách vòng 1 vòng 2 để nâng điểm cho 44 thí sinh.

Trong đó, Trần Xuân Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh chuyển cho Nguyễn Thị Hồng Nga để sửa bài thi nâng điểm cho các thí sinh. Bị can cũng đồng thuận cho phép các bị can khác rút bài thi sửa nâng điểm.

Đặc biệt, khi thanh tra, kiểm tra, bị can Yến chỉ đạo bị can Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.

Đối với Nguyễn Thị Hồng Nga, bị can đã trực tiếp và thông qua Trần Xuân Yến, Đặng Hữu Thủy, Lò Văn Huynh, Nguyễn Thanh Nhàn, Đỗ Khắc Hưng, Đinh Hải Sơn tiếp nhận thông tin của 40 thí sinh, thực hiện việc rút bài, sửa nâng điểm các môn thi trắc nghiệm.

Sau khi phạm tội bị can Nga đã nhận 1,040 tỉ đồng, đã nộp lại 1 tỉ đồng.

Đối với Lò Văn Huynh,  bị can đã trực tiếp nhận thông tin của bảy thí sinh nhờ nâng điểm. Bị can cùng với Nga, Thủy, Sọn thực hiện việc rút bài thi sửa nâng điểm cho 32 thí sinh. Ngoài ra Huynh còn cùng Nga, Nhàn cung cấp khóa phách, tác động nâng điểm môn Ngữ văn cho 12 thí sinh.

Cơ quan tố tụng xác định Huynh đã nhận 1 tỉ đồng.

Tương tự, bị can Cầm Thị Bun Sọn là thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Trước khi chấm thi Sọn đã nhận thông tin của 1 thí sinh nhờ nâng điểm. Sọn đã nhận 440 triệu đồng.

Hai bị can Đinh Hải Sơn, Đỗ Khắc Hưng là cán bộ Công an tỉnh Sơn La được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự khu vực chấm thi. Hai bị can đã làm trái công vụ, nhận thông tin của các thí sinh để nâng điểm, cho phép các bị can khác vào phòng xử lý bài thi trắc nghiệm rút bài thi để sửa nâng điểm....

Không đủ căn cứ truy tội nhận hối lộ

Đáng chú ý, theo cáo trạng của VKSND tỉnh Sơn La, quá trình điều tra, Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh khai đã nhận tiền của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh.

Cụ thể, Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã nhận của TVĐ 1,040 tỉ đồng để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh. Số tiền trên, Nga đã tự nguyện nộp cho Cơ quan ANĐT 1 tỉ đồng.

Bị can Cầm Thị Bun Sọn khai đã nhận của HTT 440 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho thí sinh DHT. Sọn đã tự nguyện nộp toàn bộ số tiền này cho Cơ quan ANĐT.

Còn Lò Văn Huynh khai đã nhận của NMK một tỉ đồng để giúp sửa, nâng điểm cho hai thí sinh. Số tiền này, Huynh và người nhà đã tự nguyện giao nộp số tiền trên cho Cơ quan ANĐT.

Ngoài ra, Huynh còn khai nhận của bà LTT số tiền là 300 triệu đồng để giúp sửa nâng điểm cho thí sinh LMH. Ngày 24-1-2018, Huynh đã trả lại số tiền này cho bà T.

Đối với Đặng Hữu Thủy, bị can này khai đã nhận của bà NTK 150 triệu đồng, bà NTMH 150 triệu đồng, bà NTX 200 triệu đồng để giúp sửa, nâng điểm cho bốn thí sinh. Riêng trường hợp bà BTX có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho thí sinh PST sẽ đưa cho Thủy 270 triệu đồng, nhưng đến nay Thủy chưa nhận được tiền. Ngày 24-7-2018, Thủy đã trả lại số tiền trên cho gia đình các thí sinh.

VKSND tỉnh Sơn La nhận định hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy những người được cho là đưa tiền cho các bị can đều không thừa nhận đã thỏa thuận và đưa tiền. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh.

Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.

“Số tiền Nga, Sọn, Huynh, Thủy nhận của các đối tượng được xác định là tiền do vụ lợi mà có” – cáo trạng kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

Trẻ em bao nhiêu tuổi phải đội mũ bảo hiểm?

(PLO)- Trẻ em khi đến tuổi theo quy định, nếu không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông thì người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, theo Nghị định 100/2019.