Trong biên bản có ngày lên nhận quyết định để đi đóng phạt nhưng sếp em lại đi công tác nước ngoài, vậy người khác lên đóng thay có được không? Trong trường hợp không đóng phạt thay được thì đóng phạt chậm có bị phạt không?
Bạn đọc Bùi Viết Hoàng (Quận Gò Vấp, TP.HCM)
Luật sư Từ Tiến Đạt, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Người nước ngoài (có bằng lái xe nước ngoài) muốn lái xe tại Việt Nam thì phải làm thủ tục đổi sang giấy phép lái xe tương ứng của Việt Nam (theo Điều 33 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT).
Hồ sơ xin cấp đổi nộp trực tiếp tại Sở GTVT nơi đăng ký cư trú hoặc định cư lâu dài. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe, bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt, bản sao hộ chiếu gồm phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam, một ảnh nền màu xanh cỡ 3 x 4 cm.
Về vấn đề nhờ người khác lên đóng phạt thay, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Do đó, sếp bạn có thể nhờ người khác nộp phạt vi phạm giao thông cho mình. Tuy nhiên, khi làm văn bản ủy quyền phải có dấu xác nhận chữ ký của UBND cấp xã hoặc xác nhận của tổ chức hành nghề công chứng. Trong văn bản ủy quyền cần ghi đầy đủ thông tin của người ủy quyền và người được ủy quyền.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn, trường hợp chậm nộp phạt xử lý như sau: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt.
Nếu quá thời hạn nêu trên thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt thì cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Hiện nay, người vi phạm giao thông thay vì đi nộp phạt trực tiếp thì có thể nộp phạt qua dịch vụ của bưu điện.
Cụ thể, nếu chọn nộp phạt qua bưu điện, người vi phạm sẽ đăng ký với cơ quan công an thông qua hình thức ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện.
Tiếp đó, người vi phạm đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ bưu điện). Khi nhận được tiền nộp phạt, CSGT sẽ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm theo phương thức ưu tiên.