. Phóng viên: Trong đơn khiếu nại gửi đến công an, ngân hàng… bà khai báo số tiền bị mất là 11,3 tỉ đồng nhưng mới đây bà lại tuyên bố số tiền bị mất là 26 tỉ đồng. Vậy đâu là con số chính xác?
+ Bà Trần Thị Thanh Xuân: Tôi xác nhận lần đầu tiên chính tôi gửi đơn nhờ cơ quan công an làm rõ số tiền bị mất là 11,3 tỉ đồng. Bởi lúc đó khi nhận được bản sao kê giao dịch từ ngày mở tài khoản đến đầu tháng 8-2015, tôi thấy như một đám rừng mà không hiểu gì cả. Tôi choáng vì thấy tiền bị mất nhưng khi ngân hàng đưa ra bản sao kê như vậy thì sau đó tôi phải tìm hiểu chứ. Ngay tại thời điểm ấy, tôi thấy trước mắt cần phải làm rõ việc ba lần rút tiền bằng séc bởi khi đó Công ty Quang Huân chưa mua séc.
Còn những giao dịch khác lúc đó tôi chưa thu thập đủ chứng từ nên chưa dám yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ. thực tế dòng tiền vào và ra khỏi tài khoản của tôi tại VPBank còn lớn hơn 26 tỉ đồng!
. Trong biên bản làm việc giữa VPBank, ông Phạm Văn Trinh (nhân viên Công ty Quang Huân) và luật sư, ông Trinh xác nhận cả hai số điện thoại 0973xxxxx3 và 0127xxxxxx9 được đăng ký để nhận tin nhắn biến động số dư tài khoản và sử dụng dịch vụ Internet Banking đều là số của bà. Điều này có đúng không?
+ Đúng là hai số này đều là số của tôi.
. Vậy từ khi mở tài khoản đến khi xảy ra sự việc, với rất nhiều lần tiền ra vào lên tới mấy chục tỉ đồng, điện thoại của bà có nhận được thông báo số dư tài khoản không?
+ Tôi không nhận được bất cứ một tin nhắn báo số dư nào cho đến khi phát hiện số tiền 11,3 tỉ đồng bị rút khỏi tài khoản bằng séc.
. Nhưng thông cáo báo chí của VPBank khẳng định là mọi biến động về số dư tài khoản đều đã được gửi tới số điện thoại mà chủ tài khoản đã đăng ký?
+ Việc này chị phải hỏi VPBank và nhà mạng chứ! Tôi cũng không hiểu tại sao họ thu phí mà tôi lại không nhận được tin nhắn báo số dư.
. Trong văn bản tường trình sự việc, ông Trinh khẳng định lần đi rút số tiền 8,3 tỉ đồng là do chỉ đạo của bà và có người nhà của bà giám sát. Điều này có đúng không?
+ Chắc chắn là không có chuyện tôi nhờ Trinh đi lấy số tiền đó. Việc nhờ Trinh đi cùng nhân viên, nhận tiền hàng có khi là tiền từ công ty con chuyển về, có khi là đưa hàng mẫu, gặp gỡ khách hàng…
Bây giờ tôi muốn yêu cầu ngân hàng chứng minh tiền tôi rút ra bằng cách nào. Nếu chứng minh không được thì phải trả lại cho tôi. Nếu như Trinh được tôi ủy quyền sao không ký sống bằng chính chữ của Trinh rồi ghi thêm câu là “bà Xuân ủy quyền cho tôi được làm việc này” mà lại phải ký giả chữ ký của tôi để rút tiền.
. Xin cám ơn bà.
“Chị Xuân nhờ mở tài khoản” Bà Xuân cho biết: “Phía công an nói hiện Trinh đã bỏ trốn, nếu chị tìm được Trinh thì báo cho chúng tôi”. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn liên lạc được với ông Trinh qua điện thoại bình thường. Trước đó, ông Trinh cùng luật sư của mình là ông Phạm Tuấn Anh đã có cuộc trao đổi với báo chí. Trong đó, ông Trinh khẳng định: “Tôi chưa bao giờ rời khỏi địa phương. Tôi không giả mạo chữ ký mà được chị Xuân nhờ mở tài khoản. Người thực hiện giao dịch đầu tiên rút 3 tỉ đồng khỏi tài khoản là ông Nguyễn Công Minh (nhân viên Công ty Quang Huân) và anh này chơi rất thân với con ruột chị Xuân. Nhưng ông Minh lại không nằm trong đơn tố cáo của chị Xuân”. |