''Nữ quái' giả nhiều thân phận để lừa hơn 57 tỉ đồng

(PLO)- Nguyễn Thị Việt làm giả thân phận, lấy tên giả, dựng lên ông bố làm giám đốc, làm giả các tài liệu của tòa án, VKS, NHNN để lừa đảo hơn 57 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-4, TAND TP Hà Nội hoãn phiên tòa xét xử đối với Nguyễn Thị Việt (ở Hà Nội) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đại diện VKS vắng mặt.

Làm giả thân phận để lừa đảo

Việt vốn là đối tượng không có nghề nghiệp nhưng lấy tên giả là Nguyễn Đỗ Việt Anh để thực hiện các phi vụ lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Đầu năm 2020, Việt thuê người làm giả CMND, sổ hộ khẩu, mở tài khoản ngân hàng dưới tên giả. Việt còn giả danh thân phận mới có bố là giám đốc doanh nghiệp, bản thân làm công tác ở Văn phòng Chính phủ, khi lại giả mạo là Thư ký TAND Tối cao, có nhiều mối quan hệ rộng có thể chạy sổ đỏ, mua nhà đất thanh lý, chạy dự án…

Bị cáo Nguyễn Thị Việt. Ảnh: BT

Bị cáo Nguyễn Thị Việt. Ảnh: BT

Trong thời gian dài từ 2017-2021, Việt đã thực hiện 12 vụ lừa đảo với số tiền hơn 57 tỉ đồng.

Trong các nạn nhân của Việt có anh Nguyễn Gia L (ở Ninh Bình, chủ một doanh nghiệp tư nhân) bị mất hơn 4,5 tỉ đồng. Khoảng giữa năm 2017, Việt rủ anh L tham gia góp vốn thực hiện dự án thi công đường cao tốc XL04- quốc lộ 1A, đi qua địa bàn tỉnh Thái Bình và nạo vét sông Hồng.

Vì doanh nghiệp của anh L không có chức năng nạo vét nên cả hai bàn nhau sẽ thuê doanh nghiệp khác đứng tên hộ hồ sơ. Việt đồng ý và vờ thuê doanh nghiệp với chi phí đứng tên hộ là 588 triệu đồng. Để anh L tin tưởng, Việt soạn thảo giấy thanh toán, đề nghị Bộ Giao thông vận tải đường thủy tạm ứng 60 tỉ đồng và đưa cho anh L giữ bản photo.

Vài tháng sau, Việt nói hồ sơ đã xong, anh L cần đưa thêm 240 triệu đồng để thuê bãi tập kết chất thải nạo vét. Cầm hơn 4,5 tỉ đồng của anh L nhưng Việt trốn tránh, nại lý do đang bị thanh tra nên chưa làm được dự án.

Làm giả tài liệu tòa án, VKS, NHNN

Nhiều nạn nhân khác lại mắc bẫy lừa “chạy án” hoặc đòi lại tiền trong các vụ án hình sự khi Việt tự nhận là Việt Anh đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, thư ký của ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao.

Cụ thể, năm 2018, anh Đoàn Công Đ (ở Nam Định) bị TAND tỉnh Nam Định xử phạt 33 tháng tù giam về tội Tổ chức đánh bạc. Anh Đ kháng cáo lên TAND Cấp cao tại Hà Nội mong muốn được hưởng án treo.

Thấy người quen giới thiệu Việt, có khả năng lo “án treo” nên gia đình anh Đ đưa cho Việt hơn 880 triệu đồng. Việt có nói số tiền này để biếu giám đốc Công an tỉnh Nam Định, làm lý lịch tư pháp, thuê luật sư, làm chi phí lo việc…

Thực chất, Việt sử dụng số tiền này để chi tiêu cá nhân hết. Ngày 12-3-2019, anh Đ bị TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt 30 tháng tù.

Với việc mạo danh thư ký của Chánh án TAND tối cao, Việt còn lừa bà Trần Thị Kim H (ở Hà Nội) hơn 1,5 tỉ đồng. Khi này bà H là nạn nhân trong vụ án lừa đảo khác. Do chiếm đoạt sổ đỏ căn nhà, bà H nhờ Việt đòi lại sổ đỏ căn nhà ở phố Cổ Linh, phường Long Biên, Hà Nội.

Thời gian này, Việt thuê người làm giả các tài liệu của TAND tối cao, VKSND tối cao, NHNN, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội để bà H tin tưởng đưa tiền…

Tương tự, còn có bốn nạn nhân khác trong vụ án Đỗ Thị Trang cũng rơi vào tình cảnh giống bà H. Họ vừa mất tiền vừa bị Việt lừa “vố đau”.

Tuy nhiên, kỳ án nhất là trường hợp của ông Nguyễn Thế T (SN 1961, ở quận Long Biên) với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hơn 13,1 tỉ đồng.

Vẫn màn kịch là thư ký của chánh án, Việt mời ông T đấu thầu mua đất, cam kết sẽ lo cho ông T trúng thầu với giá rẻ vì tòa án đang xét xử nhiều vụ án liên quan đến đất đai cần bán phát mại.

Lần thứ nhất, tháng 4-2021, Việt lừa bán nhà đất diện tích 246m2 ở phường Long Biên với giá 2,4 tỉ đồng. Ông T đồng ý mua và đưa cho Việt hơn 2,3 tỉ đồng. Việt đưa cho ông T giấy mời (giả) của TAND Cấp cao tại Hà Nội về việc giải quyết hồ sơ đất đấu thầu. Sau đó, Việt lấy lý do dịch COVID-19 phức tạp nên hoãn giải quyết… Ngoài ra, Việt còn mời ông T mua thêm bảy căn nhà khác để chiếm đoạt hơn 13,1 tỉ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, Việt cũng giăng bẫy em họ của ông T là Nguyễn Văn K để chiếm đoạt hơn 17,6 tỉ đồng. May mắn là ông T đã được trả lại hơn 12,4 tỉ đồng, ông K nhận lại 16,7 tỉ đồng.

Theo VKS, Việt đã chiếm đoạt hơn 57 tỉ đồng của 12 bị hại. Sau khi bị tố cáo, Việt đã trả lại cho các bị hại hơn 30,4 tỉ đồng; còn chiếm đoạt hơn 26,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, Việt còn thuê người làm giả 90 con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để sử dụng vào mục đích lừa đảo trong đó có 28 tài liệu có chữ ký đứng tên TAND Tối cao, có giấy mời của NHNN ký tên Phó Thống đốc, có 13 tài liệu ký đứng tên Viện KSND Tối cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm