Nước mía 5.000 đồng/ly 'tuyệt chủng' thời bão giá

(PLO)- Hồi xăng dầu chưa tăng giá, chi phí một chuyến xe chở mía khoảng 30 triệu đồng, bây giờ phải mất 45-50 triệu đồng. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước đây nhiều quán nước mía ở TP.HCM có mức giá 5.000-7.000 đồng/ly, ly "khổng lồ " có giá 10.000 đồng. Tuy nhiên, gần đây người tiêu dùng khó tìm được quán bán nước mía giá 5.000 đồng/ly.

Một người bán nước mía ở quận Tân Phú cho biết, xăng dầu tăng nên giá mía từ 60.000-65.000 đồng/bó tăng lên 85.000 đồng/bó. Thông thường mía già được tiêu thụ nhưng hiện nay mua mía về sơ chế toàn thấy ...đọt mía.

Bà T, một chủ vựa mía quận Tân Bình (vừa bán sỉ mía cho các quán vừa bán lẻ nước mía) nói, hiện nay giá mía Tây Ninh 70.000 đồng/bó, Cần Thơ 80.000 đồng/bó, tăng 10.000-15.000 đồng/bó so với trước.

Hồi xăng dầu chưa tăng giá, chi phí một chuyến xe mía khoảng 30 triệu đồng, bây giờ phải mất 45-50 triệu đồng. Riêng xe máy đi giao mía trước đây đổ 100.000 đồng tiền xăng đi hai ngày nhưng nay lên xấp xỉ 300.000 đồng.

Do giá mía tăng cao cùng các chi phí khác tăng nên bà ngừng bán ly nhỏ giá 5.000 đồng, chỉ bán ly lớn giá 10.000 đồng.

Mía Tây Ninh, Cần Thơ giá 70.000- 80.000 đồng/bó.

Mía Tây Ninh, Cần Thơ giá 70.000- 80.000 đồng/bó.

“Mua sỉ 5.000 đồng/khúc mía, có khi xay ra không đủ một ly nhỏ. Nếu bán giá 5.000 đồng phải cho thật nhiều đá, chưa kể tiền công, tiền điện, tiền ly, tiền mặt bằng… đã không có lời. Đơn cử như tôi một tháng mất 30 triệu tiền mặt bằng. Do đó, ly nước mía giá 5.000 đồng tôi đã bán suốt 20 năm nhưng năm nay không trụ được” - bà T nói.

Theo bà T, thời gian qua có những ngày nguồn mía từ Tây Ninh, Cần Thơ không có để chuyển lên, thậm chí mía từ Tây Ninh bị ngắt đến hai tháng.

“Do ảnh hưởng dịch COVID-19, người dân không dám trồng nên nguồn cung mía ít. Các lái mía còn nói chưa năm nào như năm nay, các nhà máy đường thu mua mía với giá cao và lại mua rất nhiều” - bà T kể.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư kí Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, thị trường có hai loại mía, một loại dành cho các nhà máy sản xuất đường, một loại mía dùng để ăn/uống nước và hiện nay mía này có thể xuất khẩu.

Đối với mía phục vụ sản xuất đường thời điểm này các nhà máy đã kết thúc vụ ép. Riêng mía bán ăn/uống nhu cầu có quanh năm và thường vào mùa nóng nhu cầu tiêu dùng mía cao hơn.

Tuy nhiên, thị trường mía ăn/uống hoặc xuất khẩu không ổn định nên người trồng cũng không có kế hoạch sản xuất. Trong khi mía dùng để sản xuất đường được các nhà máy kí hợp đồng thu mua, bao tiêu nên sản lượng, nguồn cung ổn định.

Mía từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất khoảng một năm. Song song đó, do hai năm ảnh hưởng dịch COVID-19 thiệt hại nặng nề, người nông dân không dám trồng mía. Hiện nay nhu cầu tăng cao, nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá mía ăn/uống tăng lên.

“Thậm chí mấy hôm nay để đáp ứng cho nhu cầu ăn/uống mía phải lấy từ các nhà máy” - ông Lộc nói.

Nguồn cung mía khan hiếm nên giá tăng cao.

Nguồn cung mía khan hiếm nên giá tăng cao.

Theo ông Lộc, riêng cây mía sản xuất đường người trồng không bao giờ lo không có đầu ra, chỉ lo về giá. Mặc dù, năm nay vẫn còn bị ảnh hưởng bởi đường lậu, đường lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá nhưng các nhà máy đã mua mía từ ruộng 1.200.000 đồng/tấn, cao hơn so với các năm trước. Giá mía ăn/uống thường được bán cao gấp đôi so với mía sản xuất đường.

“Mặc dù giá cao nhưng không ai bảo đảm đầu ra nên thị trường mía ăn/uống không hình thành chuỗi sản xuất vững chắc. Còn thị trường mía trồng sản xuất đường hình thành chuỗi sản xuất ổn định nhưng lại bị đe dọa bởi nhiều yếu tố và từ chính thị trường mía ăn/uống này…” - ông Lộc nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm