Phó thủ tướng: Hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong các kỳ biến động lớn

(PLO)- Trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22-6 kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp ngày 13-6-2022 về điều hành giá một số nhóm mặt hàng.

Sẵn sàng các kịch bản để kiểm soát lạm phát

Trong thời gian tới, áp lực lạm phát có xu hướng tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu có nhiều biến động, tác động đến mặt bằng giá nhiều mặt hàng.

Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để giữ ổn định mặt bằng giá thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Phó thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác dự báo, xây dựng trước các kịch bản cụ thể, sát với tình hình thực tế giúp cho công tác quản lý, điều hành của Chính phủ và các Bộ, ngành.

Áp lực lạm phát có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm. Ảnh: AH

Áp lực lạm phát có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm. Ảnh: AH

Với các mặt hàng cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu các Bộ quản lý ngành phối hợp UBND các tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mục đích để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp có biến động lớn về giá, căn cứ quy định tại Luật giá để đề xuất và tổ chức triển khai các biện pháp bình ổn giá phù hợp.

Cụ thể, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể để báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong các kỳ biến động lớn

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ động điều hành để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước không bị gián đoạn trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu.

Theo dõi sát diễn biến giá thế giới để có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp. Sử dụng linh hoạt Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước trong các kỳ điều hành có biến động lớn.

Phó thủ tướng cũng nêu rõ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sớm có báo cáo về kế hoạch cung ứng xăng dầu của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn chuyển Bộ Công Thương làm căn cứ xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho Quý III và cuối năm 2022.

Giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT, Phó thủ tướng đề nghị Bộ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng và giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Bộ phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón phát huy tối đa công suất để cung ứng kịp thời phân bón ra thị trường; phục vụ nhu cầu trong nước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi; phân bón.

Với mặt hàng thịt heo, Bộ NN&PTNT chú trọng công tác bảo đảm nguồn cung nhất là giai đoạn cuối năm.

Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ trì, đánh giá kỹ tác động, đề xuất phương án phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính, bảo đảm thận trọng, hạn chế tác động đến mặt bằng giá và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ pháp luật về giá để quản lý giá sách giáo khoa phù hợp với tình hình thực tế, có lộ trình điều chỉnh rõ ràng.

Trong 5 tháng đầu năm 2022, áp lực lạm phát toàn cầu có xu hướng ngày càng gia tăng, tuy nhiên tại nước ta mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát. So với cùng kỳ năm 2021, CPI bình quân 5 tháng đầu năm tăng 2,25%, lạm phát cơ bản 5 tháng đầu năm tăng 1,1%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm