Theo ông David Dương, các bạn trẻ ngày càng có kiến thức, trình độ và hãy đem những khả năng đó đóng góp xây dựng cho quê hương. Bởi vì, đóng góp cho quê hương cũng chính là đóng góp cho chính mình.
Ngày 17-12, tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty VWS), huyện Bình Chánh, TP.HCM, ông Scott Andrew Fritzen – Hiệu trưởng Fulbright Việt Nam đã đưa đoàn sinh viên đến tham quan, học hỏi mô hình xử lý chất thải bảo vệ môi trường của công ty VWS. Chuyến tham quan nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tìm hiểu công nghệ cũng như mô hình xử lý rác, bổ sung thêm kiến thức để đáp ứng yêu cầu môn học của sinh viên.
Chào đón đoàn sinh viên, ông Kevin Moore, Giám đốc Điều hành Công ty VWS đã giới thiệu về quá trình thành lập và quy trình xử lý chất thải tại đây, như: nhà máy xử lý nước rỉ rác, nhà máy thu và phát điện từ khí gas của bãi chôn lấp, nhà máy tái chế… Hiện mỗi ngày, Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước tiếp nhận và xử lý khoảng 6.700 tấn rác cho thành phố theo công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh của Mỹ. Lượng rác VWS xử lý mỗi ngày chiếm khoảng 70%-80% tổng lượng rác thải mỗi ngày của TP.HCM. Một phần quan trọng trong việc xử lý rác của Công ty VWS là tái chế rác thành các sản phẩm như phân compost, phát điện…
Đặc biệt, Công ty VWS có nhà máy xử lý nước 3.000 m3/ngày đêm; nhà máy còn thu khí metan để phát điện, không để lượng khí này phát tán ra ngoài. “Chúng tôi đã làm tất cả, ứng dụng hầu hết các công nghệ hiện đại nhất tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước nhằm xử lý rác hiệu quả nhất nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân”, ông Kevin More khẳng định.
Trò chuyện cùng các bạn trẻ, ông David Dương cho biết, là một người Mỹ gốc Việt nên dù xa quê hương, ông vẫn có nguyện vọng đem những thành quả bản thân đã học hỏi từ công nghệ tiên tiến ở nước ngoài để trở về góp phần dựng xây đất nước Việt Nam.
“Việt Nam đang rất cần khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực trở về Việt Nam để đóng góp, xây dựng đất nước. Các bạn là những người trẻ, được tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất. Chúng ta hãy đem những điều học được từ nhà trường, từ xã hội để góp phần phát triển quê hương. Đóng góp cho xã hội cũng là đóng góp cho chính bản thân, gia đình mình”, ông David Dương gửi gắm.
Theo ông David Dương, Fulbright Việt Nam là trường đại học của Mỹ đặt tại TP.HCM và công ty luôn tạo điều kiện cho sinh viên đến học hỏi những chương trình tiên tiến của Mỹ nhưng sinh viên luôn được sống gần gia đình. Đây là điều rất tốt.
“Fulbright Việt Nam hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận, cấp học bổng cho sinh viên khó khăn từ những đóng góp của các nhà hảo tâm. Chúng tôi rất hân hạnh được đón các bạn sinh viên Fulbright đến tham quan, lắng nghe những hoạt động hỗ trợ sinh viên của trường để có thể hợp tác, trợ giúp cũng như kêu gọi thêm từ cộng đồng kiều bào cũng hỗ trợ trường tốt hơn”, ông David Dương bộc bạch.
Đoàn sinh viên cũng đã tham quan quy trình xử lý nước rỉ rác, xử lý rác thải, công nghệ biến rác thành điện tại VWS. Anh Trần Phúc Thành, hiện đang theo học Chương trình Thạc sĩ Quản lý Công tại Fulbright Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến tham quan và cũng là lần đầu được tiếp xúc với công nghệ tiên tiến về thu gom, xử lý và tái chế như công ty VWS. Tôi rất bất ngờ với quy trình xử lý, tái chế rác khoa học, hiện đại của Công ty VWS, cũng như học hỏi thêm nhiều điều hay từ chia sẻ của ông David Dương – người sáng lập Công ty VWS”, anh Thành nói.
Nhiều năm qua, Công ty VWS luôn tiên phong là công ty về môi trường đầu tiên ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung thu hút các bạn trẻ, học sinh sinh viên, các đơn vị đến tham quan và trải nghiệm thực tế. Lãnh đạo Công ty VWS khẳng định, luôn trân trọng và mở rộng cửa chào đón các bạn trẻ từ học sinh tiểu học, THCS, THPT đến các bạn sinh viên đại học của Việt Nam và quốc tế, các đoàn viên thanh niên, các đơn vị đến tham quan, học tập, trải nghiệm thực tế, tìm hiểu quy trình xử lý rác.