Tháng 3-2019, HLV Park Hang-seo sau khi giúp đội tuyển U-23 Việt Nam (VN) giành suất chơi vòng chung kết U-23 châu Á 2020, giới chuyên môn và dư luận đã đặt ra vấn đề gia hạn hợp đồng cho thầy Hàn. Lúc đó, thầy Park rất nhạy cảm gạt qua một bên chuyện tế nhị này khi đưa ra nguyên tắc: Hai bên chỉ cần ngồi lại với nhau trước sáu tháng và cần chờ đến tháng 6-2019 (bản hợp đồng hai năm của HLV Park Hang-seo ký với VFF đến tháng 1-2020 sẽ hết hạn).
Đáng nói là sau nhiều thành công ở mọi cấp độ với các đội tuyển VN, đã hơn một lần ông Park tâm sự mình nhận được nhiều lời mời đi nơi khác làm việc nhưng ông không chấp nhận vì vẫn còn hợp đồng với VFF. Thông thường, trong vòng sáu tháng hết hạn hợp đồng, thầy Park có quyền nhận lời từ đối tác khác và từ chối gia hạn nơi cũ nếu cảm thấy không hợp lý vì nhiều lẽ.
VFF đã từng bị thầy ngoại từ chối vì sự bất hợp lý ngay trong vấn đề khó nói nhất là chuyện lương bổng.
Gắn bó với bóng đá Việt Nam không lâu nhưng ông Park đã có nhiều thu hoạch và nay chỉ còn sáu tháng là hết hợp đồng. Ảnh: NGỌC DUNG
Còn nhớ câu chuyện tăng 1 USD mà HLV Henrique Calisto vẫn chia sẻ. Đó là sau lần dẫn dắt đội tuyển VN đoạt huy chương đồng Tiger Cup 2002 (tiền thân của AFF Cup), ông đã không tiếp tục gắn bó với VFF mà trở lại nắm đội ĐT Long An.
Ông Calisto nhiều lần kể mức lương của mình hồi năm 2002 vào khoảng 2.000 USD. Và sau khi giúp đội tuyển VN về hạng ba Đông Nam Á, VFF ngồi lại với ông thầy người Bồ Đào Nha thương thảo gia hạn hợp đồng cùng đề nghị nhận mức lương cũ. Khi ấy, HLV Calisto vẫn nói ông muốn cống hiến cho bóng đá VN vì tình cảm nhiều hơn tiền bạc nhưng vẫn yêu cầu VFF tăng thêm 1 USD như một cách thừa nhận năng lực của ông.
Chỉ có thế nhưng thật lạ lùng là hai phía đã không tìm ra tiếng nói chung, đành nói lời chia tay nhau đầy cay đắng và hối tiếc từ ông Calisto.
Vài năm sau, ông thầy Bồ thất vọng thêm một lần nữa khi VFF soạn thảo hợp đồng cho ông và “đối thủ” Riedl người Áo chạy đua vào ghế HLV trưởng đội tuyển VN bằng tiếng… Đức - ngôn ngữ mà đa số người Áo sử dụng. Ông Calisto suy luận tại sao VFF không gửi văn bản bằng tiếng Bồ Đào Nha cho ông hoặc là tiếng Anh như thường lệ mà lại là tiếng Đức cho cùng hai ứng viên. Qua đó, ông kết luận VFF không tôn trọng mình.
Cũng cần nói thêm, việc ông Calisto dẹp bỏ tự ái, trở lại nắm đội tuyển quốc gia và đăng quang AFF Cup 2008 chính là nhờ sự thuyết phục kiên trì lẫn hy sinh cho CLB mình của ông bầu Võ Quốc Thắng.
Dĩ nhiên VFF đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu từ sự cố 1 USD tăng lương cho HLV Calisto cách đây 17 năm và nhiều chuyện liên quan khác. Quan trọng hơn là từ đó mà có cách ứng xử sao cho phù hợp trước khi bàn thảo gia hạn hợp đồng với ông Park Hang-seo.
Ai đang trả lương cho ông Park? Rất nhiều người ngạc nhiên khi biết VFF ký hợp đồng với ông thầy người Hàn Quốc hồi tháng 10-2018 đến nay nhưng ông bầu Đoàn Nguyên Đức lại là người trả lương. Bầu Đức từng bật mí chính ông và các cộng sự đích thân ba lần sang Hàn Quốc mời mọc HLV Park Hang-seo, sau lần phá sản phương án chọn thầy Nhật. Hồi ấy, bầu Đức tuy đã nộp đơn xin rời ghế phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính - tài trợ nhưng ông phải chờ đến tháng 12-2018 mới chính thức nghỉ việc. Người thay thế bầu Đức là cựu giám đốc Trung tâm Thể thao quốc gia Mỹ Đình, ông Cấn Văn Nghĩa, lên thay có hứa hẹn xem xét lại việc bầu Đức mỗi tháng mất khoảng 35.000 USD trả lương cho thầy Park mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Riêng bầu Đức khi giúp VFF phần việc này đã khẳng định mình đóng góp không vụ lợi và còn nhắn nhủ VFF để dành tiền làm chuyện khác, miễn sao có lợi cho các đội tuyển VN. |